Intel đầu tư nhà máy chip 7,1 tỷ USD ở Malaysia

Theo Kim Ngân/nhadautu.vn

Intel dự kiến đầu tư một nhà máy sản xuất chất bán dẫn hiện đại trị giá 30 tỷ ringgit (7,1 tỷ USD) ở Malaysia, theo Cơ quan Phát triển Đầu tư nước này.

 Cờ Malaysia và logo Intel. Ảnh: AP và Reuters
Cờ Malaysia và logo Intel. Ảnh: AP và Reuters

Nhà máy sẽ đặt tại Bayan Lepas, gần một sân bay quốc tế ở Penang, một bang phía bắc Malaysia.

Nikkei Asia cho biết chưa nhận được khẳng định của văn phòng Intel ở Kuala Lumpur đối với thông tin trên, sau nhiều giờ liên lạc hôm thứ Hai.

Intel hiện phụ thuộc vào Malaysia ở một số hoạt động đóng gói chip, bước cuối cùng quan trọng trong quy trình sản xuất chất bán dẫn. 

Nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm chứa nhiều chip đã và đang tăng cao trong bối cảnh sản xuất gián đoạn do dịch bệnh, gây đứt gãy chuỗi cung ứng đối với nhiều ngành phụ thuộc vào chất bán dẫn.

Intel đã động thổ hai nhà máy chip ở bang Arizona, Mỹ vào tháng 9 với khoản đầu tư 20 tỷ USD. Trong một bài phát biểu đầu tháng này, CEO Patrick Gelsinger cho biết Intel cam kết trở thành một công ty “sản xuất chất bán dẫn”. Đây là công ty lớn duy nhất của Mỹ vừa thiết kế, vừa sản xuất chip.

Tháng 11, Samsung Electronics tuyên bố họ sẽ đầu tư 17 tỷ USD để xây một nhà máy chip ở bang Texas, Mỹ, một phần trong nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm đưa nhiều hoạt động sản xuất chất bán dẫn về Mỹ. Trong khi đó, tháng 6, TSMC của Đài Loan cho biết họ đã bắt đầu xây dựng một nhà máy chip trị giá 12 tỷ USD ở Arizona, Mỹ.

Cũng tại châu Á, nhà sản xuất vật liệu chip của Mỹ Entegris tuần trước cho biết họ có kế hoạch tăng hơn gấp đôi khoản đầu tư vào Đài Loan và xây dựng nhà máy lớn nhất của mình trên hòn đảo này. Cụ thể, công ty sẽ đầu tư 500 triệu USD vào Đài Loan trong 3 năm tới, tăng so với kế hoạch 200 triệu USD trước đó, CEO kiêm Chủ tịch Bertrand Loy nói với Nikkei Asia.

Trong một bài phát biểu tại hội nghị Fortune Brainstorm Tech ở Half Moon Bay, California, mới đây, CEO Intel Gelsinger nói rằng trong khi đợi luật thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn ở Mỹ ra đời, Mỹ nên hỗ trợ Samsung và TSMC, nhưng cũng cần đầu tư nhiều hơn vào các công ty Mỹ như Micron, Texas Instruments và Intel để kiểm soát tốt hơn vấn đề sở hữu trí tuệ.

Dự luật CHIPS, theo đó 52 tỷ USD sẽ dành cho ngành sản xuất chip của Mỹ, xuất hiện trong bối cảnh khủng hoảng thiếu chip chưa từng có do đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị thúc đẩy Washington giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung chip từ Đài Loan, cứ điểm chip toàn cầu.

Trợ cấp của chính phủ sẽ rất cần thiết để Intel có thể cạnh tranh với các đối thủ TSMC và Samsung, Gelsinger nhấn mạnh. TSMC hiện chiếm 52,9% thị trường đúc chip toàn cầu, trong khi Samsung chiếm 17,3%, theo Statista.

Gelsinger lập luận rằng chính quyền Đài Loan và Hàn Quốc đang cung cấp các khoản trợ cấp lớn để hỗ trợ các nhà sản xuất chip của mình. “Làm thế nào để cạnh tranh với mức trợ cấp từ 30 đến 40%? Bởi điều đó có nghĩa là chúng tôi đang không cạnh tranh với TSMC hay Samsung, chúng tôi đang cạnh tranh với Đài Loan và Hàn Quốc. Các khoản trợ cấp ở Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn”.

Gelsinger cho biết ông “hy vọng” Đạo luật CHIPS sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua vào cuối tháng này.

Trong ba thập kỷ qua, ngành công nghiệp bán dẫn có mức “toàn cầu hóa” cao độ với chuỗi cung ứng trải dài khắp các châu lục. Mỹ và Châu Âu chủ yếu dựa vào các nhà thầu ở Đông Á để sản xuất chip trong khi vẫn đảm đương việc thiết kế.

Theo Tập đoàn tư vấn Boston, thị phần của các nhà sản xuất chip Mỹ trong tổng năng lực sản xuất toàn cầu giảm từ 37% năm 1990 xuống 12% năm 2020, trong khi ở châu Âu giảm từ 44% xuống 9%.

Những năm qua, Đài Loan và Hàn Quốc thống trị ngành sản xuất chất bán dẫn, chuyển trọng tâm của ngành này từ Mỹ, nơi phần lớn công nghệ đã từng được phát minh, sang châu Á, nơi hơn 2/3 chip tiên tiến được sản xuất, theo CNBC.

Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn được cho là sẽ kéo dài sang 2022 và có tác động rộng hơn, hãng tin Mỹ nhận định.