IPAF 2018: Bàn giải pháp xử lý nợ xấu nhằm đảo bảo ổn định an ninh tài chính quốc gia

PV.

Trước những trở ngại trong việc xử lý nợ xấu tại các quốc gia trong khu vực châu Á, các chuyên gia, các nhà quản lý cho rằng, Chính phủ và các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) cần nhận diện những khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới để đưa ra những quyết sách xử lý nợ xấu phù hợp nhằm đảm bảo ổn định an ninh tài chính quốc gia trong khu vực châu Á.

Tác động của việc xử lý nợ xấu đến an ninh tài chính quốc gia

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế Diễn đàn IPAF lần thứ 4 với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện” tổ chức ngày 15/11 tại Hà Nội do Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) chủ trì, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, các cuộc khủng hoảng hay biến động kinh tế tài chính lớn trong thời gian gần đây đã có những tác động trực tiếp đến nền kinh tế, đặc biệt là hệ thống ngân hàng - tài chính của Việt Nam.

“Nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của hệ thống tài chính- ngân hàng, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm đến công tác xử lý nợ, gắn xử lý nợ với thực hiện đồng bộ việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong tổng thể chương trình tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia, giữ vững sự ổn định của hệ thống tài chính”, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải nhấn mạnh.

Đánh giá tác động của việc xử lý nợ xấu đến an ninh tài chính quốc gia, ông Lê Việt Dũng, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Giám sát tổng hợp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, nợ xấu là một trong những nhân tố tác động lớn đến an ninh tài chính của các quốc gia. Một số quốc gia bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính có tỷ lệ nợ xấu cao như: Thái Lan (50% năm 1999), Indonesia (25% năm 1998), Hàn Quốc (18% năm 1998), Philippines (17% năm 2001), Iceland (42% năm 2009), Mỹ (8% năm 2010)…

Ông Lê Hoàng Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên DATC phát biểu tại Hội nghị.
Ông Lê Hoàng Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên DATC phát biểu tại Hội nghị.

Theo ông Lê Việt Dũng, nợ xấu là một trong những nhân tố quan trọng nhất tác động đến an toàn của hệ thống tài chính Việt Nam. Nguyên nhân do cung ứng vốn từ các tổ chức tín dụng chiếm hơn 60% tổng cung ứng vốn từ thị trường tài chính cho nền kinh tế, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng chiếm hơn 95% tổng tài sản của các định chế tài chính. Đối với các tổ chức tín dụng, thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng chiếm trên 70% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, nợ xấu còn ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính. Nợ xấu lớn làm tăng lãi suất cho vay, làm giảm vốn tín dụng cho nền kinh tế. Cụ thể, đối với các tổ chức tín dụng, nợ xấu lớn làm giảm khả năng thanh toán, do không thu hồi được nợ, tổ chức tín dụng thiếu nguồn thu để chi trả các khoản tiền gửi và nghĩa vụ thanh toán đến hạn.

Toàn cảnh Hội nghị Diễn đàn IPAF lần thứ 4.
Toàn cảnh Hội nghị Diễn đàn IPAF lần thứ 4.

Về tác động của nợ xấu với tăng trưởng kinh tế, ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cho rằng, nợ xấu với tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ nghịch chiều, theo chu kỳ kinh tế và có những độ trễ nhất định. Đặc biệt, nợ xấu tăng cao đe dọa hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính quốc gia.

“Điểm mấu chốt là phải có sự đột phá xử lý nợ xấu, vì nếu không xử lý được vấn đề nợ xấu, không chỉ cải cách doanh nghiệp và ngân hàng bị trì hoãn mà sự phát triển kinh tế bền vững cũng bị ảnh hưởng”, ông Phạm Mạnh Thường nhấn mạnh.

Giải quyết nợ xấu nhằm đảm bảo ổn định an ninh tài chính

Chia sẻ phương thức xử lý nợ xấu nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia trong khu vực, ông Min –Jaesong, Quản lý kinh doanh cấp cao Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO) cho rằng, cần thiết lập một sàn giao dịch nợ xấu xuyên biên giới ở châu Á vì khối lượng giao dịch nợ xấu xuyên biên giới ở khu vực này vẫn đang trong giai đoạn đầu.

“Chúng tôi đề nghị Diễn đàn IPAF lần thứ 4 cần thiết lập một sàn giao dịch nợ xấu trên trang web của mình - nơi mọi thành viên chung có thể tham gia và giao dịch nợ xấu quốc tế”, ông Min -Jaesong cho biết.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.

Bàn về giải pháp xử lý nợ ở cấp quốc gia, theo ông Junkyu Lee, Chuyên gia kinh tế vĩ mô Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các quốc gia trong khu vực châu Á, cần có các quy định thận trọng vĩ mô không chỉ giúp ngăn ngừa nợ xấu mà còn giảm nguy cơ khủng hoảng tài chính; tăng cường các ưu đãi của ngân hàng để giải quyết nợ xấu; thực hiện các cải cách pháp lý và tư pháp để thực thi tài sản thế chấp và thực thi nợ hiệu quả; Xóa bỏ thuế, kế toán và các trở ngại đối với việc giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu nợ; Sử dụng các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại (AMC) công tập trung để giải quyết nợ xấu…

Về xử lý nợ cấp khu vực, ông Junkyu Lee cho rằng, trong ngắn hạn, cần xây dựng khuôn khổ khu vực để giải quyết nợ xấu, đồng thời tăng cường phát triển thị trường cho các khoản nợ xấu khu vực và phát triển các giải pháp xử lý thị trường nợ xấu khu vực.

Để công tác xử lý nợ xấu ở Việt Nam đạt hiệu quả trong thời gian tới, ông Lê Việt Dũng cho rằng, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển thị trường mua bán nợ; hình thành sàn giao dịch mua bán nợ; đa dạng hàng hóa trên thị trường mua bán nợ; tăng cường năng lực tài chính của các đơn vị tham gia thị trường mua bán nợ như: VAMC, DATC và các AMC của các tổ chức tín dụng.

“Bằng các kiến thức và kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia, các nhà quản lý, các diễn giả đến từ ADB và các quốc gia thành viên của IPAF, Hội nghị IPAF lần thứ 4 đã thành công tốt đẹp, góp phần đưa IPAF trở thành một diễn đàn quốc tế cởi mở góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh tài chính của các quốc gia thành viên và khu vực trong những năm tới”, ông Lê Hoàng Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên DATC nhấn mạnh.

Tại Hội nghị Diễn đàn IPAF lần thứ 4, các chuyên gia cũng tập trung thảo luận các nội dung về: Tình hình kinh tế- tài chính châu Á; An ninh tài chính châu Á, tình hình và cơ chế xử lý nợ xấu; Thị trường xử lý nợ châu Á: Cơ hội và thách thức; Nhân tố ảnh hưởng và xu hướng thị trường xử lý nợ châu Á.