Ngày 14-15/11 diễn ra Hội nghị quốc tế chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ xấu

PV.

Trong hai ngày 14 - 15/11/2018, tại Hà Nội, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) phối hợp Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị thường niên và Hội nghị quốc tế Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4 với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện”.

Phó tổng giám đốc DATC Phạm Mạnh Thường thông tin tại họp báo.
Phó tổng giám đốc DATC Phạm Mạnh Thường thông tin tại họp báo.

Đây là thông tin được ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng Giám đốc DATC cho biết tại buổi Họp báo giới thiệu về Hội nghị quốc tế Diễn đàn IPAF được tổ chức ngày 13/11 tại Hà Nội. 

Hội nghị được tổ chức với mục đích tăng cường năng lực và thúc đẩy chia sẻ tri thức giữa các thành viên Diễn đàn IPAF, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia. Đồng thời đóng góp cho sự ổn định của kinh tế từng quốc gia và khu vực Châu Á thông qua thúc đẩy hợp tác và chia sẻ tri thức, kinh nghiệm chuyên môn giữa các Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) công. Thông qua hoạt động hợp tác giữa các thành viên, IPAF sẽ củng cố cơ chế ứng phó với khủng hoảng để thúc đẩy khả năng phục hồi của nền kinh tế khu vực.

Theo ông Phạm Mạnh Thường, Hội nghị thường niên Diễn đàn IPAF 2018 được tổ chức vào ngày 14/11/2018. Đây là hoạt động nội bộ giữa các thành viên Diễn đàn IPAF và ADB. Tại Hội nghị, các thành viên Diễn đàn và Ban Thư ký IPAF báo cáo kết quả hoạt động trong năm vừa qua, thống nhất nội dung chương trình nghị sự của Hội thảo quốc tế và đưa ra tuyên bố chung cho hoạt động của IPAF trong nhiệm kỳ mới. Năm nay, Hội nghị thường niên Diễn đàn IPAF 2018 sẽ chính thức thông qua việc kết nạp thành viên mới là Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Hội nghị quốc tế Diễn đàn IPAF 2018 được tổ chức vào ngày 15/11/2018 với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện”. Tại Hội nghị này, các diễn giả, chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước, đại diện các thành viên IPAF sẽ tập trung vào việc bàn thảo, chia sẻ và trao đổi các nội dung gồm:

Phiên 1: Tình hình kinh tế - tài chính châu Á. Các chuyên gia trao đổi, thảo luận về tình hình kinh tế - tài chính thế giới và khu vực châu Á, qua đó đánh giá những tác động đối với sự ổn định và phát triển của các quốc gia thành viên IPAF và khu vực; đặc biệt là các quốc gia thành viên của Diễn đàn IPAF, lường định những dấu hiệu của sự bất ổn có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng tài chính – kinh tế để đề xuất những giải pháp, chính sách ứng phó.

Phiên 2: An ninh tài chính châu Á, tình hình và cơ chế xử lý nợ xấu. Các thành viên Diễn đàn IPAF và các chuyên gia chia sẻ về tình hình và cơ chế xử lý nợ xấu trong thời gian qua tại các quốc gia và những bài học kinh nghiệm từ quốc tế trong công tác xử lý nợ xấu.

Phiên 3: Thị trường xử lý nợ châu Á: cơ hội và thách thức. Thảo luận, phân tích các cơ hội và thách thức mà các nền kinh tế khu vực, đặc biệt là tại các quốc gia thành viên Diễn đàn IPAF có thể tận dụng hoặc sẽ phải đối mặt nhằm tìm kiếm, thảo luận các giải pháp hữu hiệu cho việc củng cố an ninh tài chính khu vực trong thời gian tới.

Phiên 4: Nhân tố ảnh hưởng và xu hướng thị trường xử lý nợ Châu Á: Phân tích, đánh giá các nhân tố ảnh hưởng và dự báo xu hướng phát triển của thị trường xử lý nợ Châu Á trong thời gian tới. Qua đó làm cơ sở để các quốc gia thành viên xây dựng kế hoạch phát triển thị trường mua bán nợ và quản lý tài sản nhà nước một cách hiệu quả trong thời gian tới. Đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách với Chính phủ về những vấn đề liên quan đến xử lý nợ/tài sản xấu, tăng cường an ninh tài chính, bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế quốc gia và khu vực.

Được biết, Diễn đàn IPAF là sáng kiến được đề xuất tại Hội nghị quốc tế về phát triển ngành Tài chính toàn cầu do Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO) tổ chức tại Hà Nội năm 2012.

Tính đến nay, IPAF có 13 thành viên, gồm 9 thành viên chính thức và 4 thành viên liên kết; trong đó thành viên chính thức là những AMC công do nhà nước làm chủ sở hữu và được Chính phủ sử dụng như là công cụ kinh tế để xử lý nợ/tài sản xấu. Thành viên liên kết là những tổ chức liên quan không nhất thiết phải hoạt động dưới hình thức AMC.