IPO tại Trung Quốc lên cao chưa từng thấy bất chấp Anh, Mỹ trầm lắng
Hoạt động chào bán cổ phiếu tại Trung Quốc, nơi mà chính sách tiền tệ trái ngược hẳn so với định hướng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chủ yếu hướng đến nhóm nhà đầu tư địa phương.
ừ London đến Hồng Kông, các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu giờ đây đã không còn nhiều như khoảng thời gian trước. Tuy nhiên tại Trung Quốc, mọi chuyện có vẻ như vẫn đang khá sôi động.
Theo Bloomberg, tổng giá trị các đợt IPO trên các sàn giao dịch tại Trung Quốc đại lục đã tăng lên mức 57,8 tỷ USD trong năm 2022, cao kỷ lục với cùng khoảng thời gian này các năm trước.
Tính từ tháng 1/2022, đã có năm đợt IPO quy mô trên 1 tỷ USD và ngoài ra còn thêm một đợt khác. Cũng trong khoảng thời gian trên, sàn New York và Hồng Kông chỉ có 2 đợt IPO giá trị tương đương, tại London không có đợt nào với giá trị như vậy.
Thị trường IPO của Trung Quốc đã vững vàng bất chấp nhiều yếu tố bất lợi ví như lãi suất tăng cao và nỗi sợ về khả năng suy thoái kinh tế, các hoạt động gây quỹ tại các thị trường khác dường như đứng yên. Hoạt động chào bán cổ phiếu tại Trung Quốc, nơi mà chính sách tiền tệ trái ngược hẳn so với định hướng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chủ yếu hướng đến nhóm nhà đầu tư địa phương.
Số lượng các đợt IPO tăng mạnh, theo phân tích của một số nhà quan sát thị trường, có nguyên nhân trực tiếp từ nỗi lo tình hình kinh tế có thể xấu đi trong khoảng thời gian còn lại của năm khi mà số lượng các trường hợp lây nhiễm COVID-19 leo thang mạnh khiến cho chính quyền Bắc Kinh quyết duy trì chính sách không COVID-19. Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã phát đi thông điệp sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm nay, chính vì vậy, sự lạc quan về khả năng hoạt động kinh tế phục hồi giảm đi.
Giám đốc tại ngân hàng đầu tư Chanson&co, ông Shen Meng, nhận xét: “Nhiều công ty muốn IPO bởi họ tin rằng khoảng thời gian nửa đầu năm tốt hơn cho việc niêm yết cổ phiếu hơn so với sau này. Triển vọng thị trường được dự báo yếu đi, nhiều yếu tố bất ổn tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận, chính vì vậy hoạt động niêm yết cổ phiếu trong tương lai sẽ khó hơn so với hiện tại”.
Khi mà nhiều doanh nghiệp nội địa chạy đua niêm yết cổ phiếu, thị phần của Trung Quốc trong tổng quy mô IPO toàn cầu đã tăng lên 44% trong năm nay từ 13% vào thời điểm cuối năm 2021, theo số liệu của Bloomberg.
Ngoài ra, việc các cổ phiếu mới lên sàn có diễn biến thuận lợi hơn cũng làm cho nhiều doanh nghiệp muốn niêm yết cổ phiếu. Cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp Trung Quốc đại lục IPO trong năm nay tăng trung bình 43% so với giá chào sản, trong khi đó tỷ lệ này trên thị trường Hồng Kông là 13%.
Tính từ ngày 31/12/2022 đến nay, chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm khoảng 16% và như vậy trở thành một trong những chỉ số suy giảm mạnh nhất trong nhóm các chỉ số cổ phiếu toàn cầu. Nhà đầu tư chật vật với các biện pháp phòng chống COVID-19 chặt chẽ, cuộc khủng hoảng bất động sản tệ hại hơn và việc giới chức Trung Quốc cứng rắn với các doanh nghiệp Internet.
Trên thực tế, các đợt phát hành cổ phiếu mới có được sự tăng trưởng cao nhờ vào thực tế rằng định giá trong các hoạt động IPO chịu hạn chế bởi các quy định địa phương. Kết quả, hiệu ứng cho những doanh nghiệp mới chào sàn sau này vẫn còn, tuy nhiên khá hiếm.
Có những trường hợp doanh nghiệp IPO tại Trung Quốc do lý do chính trị. Hãng viễn thông hàng đầu Trung Quốc China Mobile và doanh nghiệp sản xuất năng lượng CNOOC vốn sở hữu hai đợt chào sàn lớn nhất trong năm 2022 đều niêm yết tại nội địa chỉ sau khi họ bị đẩy ra khỏi sản Mỹ do chính sách dưới thời Donald Trump. Tại Trung Quốc, họ huy động 8,6 tỷ USD và 5 tỷ USD và các cổ phiếu này đều giao dịch trên giá niêm yết.
“Trung Quốc là một thị trường độc lập với thế giới. Điều mà Trung Quốc có nhưng các thị trường khác không có chính là những nhà đầu tư yêu nước. Việc mua cổ phiếu giúp cho Trung Quốc độc lập so với thế giới và việc không cần đến giao dịch ở Mỹ cũng là hoàn toàn bình thường”, trưởng bộ phận nghiên cứu tại DZT – ông Ke Yan.