Trung Quốc "cảnh giác" khi các Ngân hàng Trung ương lớn tăng lãi suất

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Trong bối cảnh ECB và Fed tăng mạnh lãi suất, Trung Quốc đang phải tìm cách ngăn chặn và giảm thiểu cú sốc bên ngoài từ dòng vốn chảy ra, khi các nhà đầu tư bắt đầu né tránh đồng Nhân dân tệ.

Sau đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào thứ Năm tuần qua, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn gần như duy nhất duy trì lập trường tiền tệ nới lỏng. Nguồn: Internet
Sau đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào thứ Năm tuần qua, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn gần như duy nhất duy trì lập trường tiền tệ nới lỏng. Nguồn: Internet

Theo SCMP, tới đây, Trung Quốc sẽ chú ý nhiều đến chính sách tiền tệ và tác động lan tỏa của nó, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất trên toàn thế giới do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dẫn đầu.

Cụ thể, ECB đã quyết định tăng lãi suất với mức là 50 điểm cơ bản, như một động thái xác nhận lạm phát tăng cao hiện nay đáng lo ngại hơn nhu cầu về tăng trưởng kinh tế. Trước đó, ECB cho biết sẽ chỉ nâng lãi suất từ từ và nhiều khả năng nhất chỉ nâng 25 điểm cơ bản vào tháng 7/2022, sau đó nâng mạnh hơn vào tháng 9. Tuy nhiên, trong bài phát biểu gần nhất, chủ tịch ECB Christine Lagarde khẳng định: “Có những điều kiện rõ ràng khiến cách nâng lãi suất dần dần là không hợp lý".

Khu vực đồng tiền chung Euro bị ảnh hưởng nhiều hơn từ chiến sự ở Ukraine và việc Nga đe dọa cắt nguồn cung khí đốt có thể đẩy khối này vào suy thoái. Các nhà hoạch định chính sách ở đây đã rất khó khăn trong việc cân bằng giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Giá nguyên vật liệu cao đang làm suy giảm sức mua. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất - tức tăng chi phí đi vay trong thời kỳ suy thoái đang gây tranh cãi vì có thể làm tăng khó khăn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Như vậy trên trường quốc tế, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn duy nhất đang duy trì lập trường tiền tệ nới lỏng, bên cạnh chính sách nới lỏng đã được Nhật Bản duy trì dài hạn. Điều này có nghĩa là, Trung Quốc có thể phải đối mặt với nguy cơ cao hơn về dòng vốn chảy ra, biến động ngoại hối cũng như kỳ vọng của thị trường.

Thực tế, Trung Quốc vốn đang bận tâm đến sự phục hồi kinh tế sau khi tăng trưởng GDP giảm xuống 0,4% trong quý II/2022. Bà Wang Chunying, Phó Giám đốc Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) cho biết, vừa qua Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994. Nhưng Fed cũng đang phải đối mặt với tình thế khó xử giữa kiểm soát lạm phát và ổn định nền kinh tế. “Chúng tôi cần theo dõi việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của họ trong tương lai. Trong đó tập trung theo dõi những thay đổi bên ngoài, đánh giá tác động kịp thời và chuẩn bị cho việc ngăn ngừa, giảm thiểu tác động của các cú sốc”.

Giới chuyên môn đánh giá, Bắc Kinh đã bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt tăng tỷ giá bắt đầu vào năm 2014, dẫn đến một cuộc tháo chạy dòng vốn nghiêm trọng diễn ra trong những năm sau đó. Vì vậy khoảng thời gian này, các nhà chức trách Trung Quốc đang cảm thấy áp lực tương tự khi các nhà đầu tư nước ngoài giảm nắm giữ trái phiếu Trung Quốc, bán bớt cổ phiếu Trung Quốc và bán phá giá đồng Nhân dân tệ ra nước ngoài trong những tháng gần đây.

Dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho thấy, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã bán bớt 90 tỷ Nhân dân tệ (13,3 tỷ USD) trái phiếu Trung Quốc nắm giữ trong tháng 6. Lượng nắm giữ trái phiếu Nhân dân tệ của nước ngoài được giao dịch trên thị trường trái phiếu liên ngân hàng Trung Quốc đạt 3,57 nghìn tỷ Nhân dân tệ (527,5 tỷ USD), giảm so với 3,66 nghìn tỷ Nhân dân tệ một tháng trước đó. Điều này cũng đánh dấu mức giảm tổng cộng 500 tỷ Nhân dân tệ kể từ tháng 2. Tuy nhiên cơ quan quản lý ngoại hối nước này tin rằng, những biến động như vậy vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát và không đe dọa sự ổn định của dòng vốn xuyên biên giới.

Với động thái nêu trên của ECB, Yang Delong, chuyên gia kinh tế trưởng của Qianhai Kaiyuan Fund gọi đó là một cột mốc quan trọng. Rằng lạm phát cao ở Hoa Kỳ và Châu Âu là cái giá phải trả cho việc họ nới lỏng tiền tệ quá lớn trong vài năm qua. Cả hai đều đang phải đối mặt với áp lực của lạm phát đình trệ.

“Nếu so sánh, PBoC sẽ có nhiều dư địa chính sách hơn và sẽ không theo sau Fed trong việc tăng lãi suất hay thu hẹp bảng cân đối kế toán, nhưng sẽ giữ một lập trường lỏng lẻo để tạo điều kiện cho sự phục hồi kinh tế của nó”, ông nói.

Thông tin từ SAFE cho thấy, các nhà quản lý Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp phòng ngừa kể từ năm ngoái, bao gồm tỷ giá hối đoái bằng đồng Nhân dân tệ linh hoạt hơn, bảo hiểm rủi ro ngoại hối nhiều hơn và cơ cấu nợ nước ngoài được tối ưu hóa. Thương mại phái sinh ngoại hối tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 755,8 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Hơn một phần tư các giao dịch ngoại hối của họ là nhằm mục đích bảo hiểm rủi ro, tăng 4,1% so với năm ngoái. Bất chấp một số vụ vỡ nợ trái phiếu của các nhà phát triển, khu vực tư nhân của Trung Quốc vẫn có tài sản nước ngoài trị giá hơn 3.000 tỷ USD, cao hơn khoản nợ 2,1 nghìn tỷ USD của họ.

Đến nay, tỷ giá đồng Nhân dân tệ dường như trở nên linh hoạt hơn, giúp hấp thụ các cú sốc bên ngoài, với mức trung bình hàng ngày được giữ ở mức khoảng 6,35 CNY/USD vào giữa tháng 3 trước khi suy yếu xuống 6,7522 CNY/USD vào ngày 22/7.

Phó Giám đốc Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc nói thêm, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số đô la Mỹ (DXY) đã tăng hơn 11% trong năm nay và được thúc đẩy bởi việc tăng lãi suất. Mặc dù đồng Nhân dân tệ đã giảm giá khoảng 5,8% so với USD nhưng vẫn thấp hơn mức giảm 10-17% so với đồng Euro, bảng Anh và yên Nhật, Nhân dân tệ mạnh lên 0,1% so với rổ tiền tệ trong thời gian này. “Sự ổn định của đồng Nhân dân tệ đã trở nên nổi bật hơn sau sự ổn định và phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc”.