IR cùng hướng giá cổ phiếu

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Taichinh) - Nguyên tắc làm tốt công tác quan hệ nhà đầu tư (IR), minh bạch thông tin thì cổ phiếu được định giá cao hơn, có thanh khoản tốt hơn đang thể hiện rất rõ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chứ không chỉ là những bài học kinh điển đúc kết từ các thị trường đã phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: mof.gov.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: mof.gov.vn

Lãnh đạo CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM) vừa thừa nhận, một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu bị định giá thấp là do doanh nghiệp chưa chú trọng tới công tác IR, mà doanh nghiệp chỉ tập trung vào sản xuất.

Hệ quả là thị giá của cổ phiếu ASM hiện là 8.600 đồng/CP, thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách: 11.000 đồng/CP, tương đương với P/E 10 lần, trong khi các cổ phiếu cùng ngành nghề khác có P/E trung bình là 20 lần.

ASM là một ví dụ điển hình về việc doanh nghiệp lơ là với IR khiến cổ phiếu bị định giá thấp. Ở chiều hướng ngược lại, cổ phiếu của CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC) đang được định giá khá cao so với mặt bằng chung của thị trường, ở mức P/E khoảng 14 lần, bởi nhà đầu tư đánh giá cao quản trị công ty của HSC cũng như công tác thông tin của doanh nghiệp này.

Hoạt động cung cấp thông tin cho nhà đầu tư được Công ty thực hiện thường xuyên, liên tục, một cách bài bản, từ xây dựng báo cáo thường niên, thảo luận tại ĐHCĐ, gặp mặt các chuyên gia phân tích và các phóng viên tài chính, đến việc đầu tư xây dựng website.

Website mới của HSC được đưa vào sử dụng có giao diện và các tính năng hiện đại, tiện dụng, đặc biệt là trang Quan hệ cổ đông với cấu trúc được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế, thuận lợi cho nhà đầu tư trong tìm hiểu thông tin và tương tác với HSC.

Trong khi đó, ở nhiều công ty niêm yết, website không được cập nhật thông tin thường xuyên, việc sắp xếp các trang mục khó đọc, khó tìm, khó tải thông tin.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) thời gian gần đây cũng ghi điểm khi làm tổ chức tiếp xúc nhà đầu tư lớn, chuyên gia phân tích trực tuyến tại hai đầu cầu Hà Nội và TP. HCM. Tuy nhiên, chỉ một hoạt động này là chưa đủ. Theo các chuyên gia về quản trị công ty, các hoạt động IR cần được tổ chức thường xuyên và đa dạng, như hội đàm với nhà đầu tư, thảo luận với chuyên gia phân tích, tổ chức các cuộc gặp mặt với các nhà đầu tư lớn, thường xuyên công bố thông tin trên website doanh nghiệp, trên báo đài…

Mới đây, đại diện quỹ đầu tư của Dragon Capital cũng đề nghị CTCK Sài Gòn (SSI) tăng cường tiếp xúc nhà đầu tư nhỏ, bởi số lượng cổ đông nhỏ lẻ của SSI khá lớn và trong bối cảnh thị trường nhiều thông tin trái chiều, nếu nhà đầu tư nhỏ lẻ không hiểu rõ công ty thì cổ phiếu có thể bị bán tháo.

SSI đã trải qua thời kỳ bị giảm giá quá mức trước khi phục hồi về mức giá hiện nay nhờ lực mua mạnh của nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, ngay cả cổ đông lớn, có thể trao đổi với Chủ tịch Công ty thường xuyên cũng chưa thỏa mãn nếu hoạt động IR của doanh nghiệp chỉ giới hạn ở một số hoạt động nhất định.

Các doanh nghiệp đang bắt đầu nhận thức được sự cần thiết của đầu tư cho công tác IR, bởi thông tin minh bạch, kịp thời không chỉ là quyền lợi của nhà đầu tư, cổ đông mà trước tiên đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, thể hiện ở giá cổ phiếu và sau đó là các mục tiêu huy động vốn. Nếu đợi đến khi cần vốn doanh nghiệp mới làm IR thì e rằng quá muộn hoặc sẽ phải tốn chi phí hơn nhiều so với việc triển khai công bố thông tin đều đặn trước đó.