Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan:

Ít có khả năng bùng phát khủng hoảng tiền tệ

Theo Vũ Thủy/daibieunhandan.vn

“Nhìn lại mấy thập niên qua, cứ khoảng 10 năm lại có một cuộc khủng hoảng (năm 1973, 1980, 1997 và 2008). Nhưng tôi cho rằng, trước mắt khả năng bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ trong 2 – 3 năm tới không nhiều”. Đây là nhận định của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ nhất với chủ đề “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới” diễn ra sáng nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khó xảy ra chiến tranh tiền tệ

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhìn nhận, VRDF diễn ra trong thời điểm đặc biệt khi đang chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. “Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội là chuẩn bị soạn thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm. Tôi hy vọng Diễn đàn sẽ cung cấp thông tin đầu vào cần thiết để xây dựng kế hoạch quan trọng này”, ông bày tỏ.

Dự báo về tình hình kinh tế - xã hội thế giới đến năm 2030, nguyên Phó Thủ tướng phân tích: Về chiều hướng tăng trưởng kinh tế thế giới, theo Ngân hàng Thế giới (WB), Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều dự báo tốc độ tăng trưởng giảm xuống. Nhưng vấn đề là có xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính nào không? “Nhìn lại mấy thập niên qua, cứ khoảng 10 năm lại có một cuộc khủng hoảng (năm 1973, 1980, 1997 và 2008). Nhưng tôi cho rằng, trước mắt khả năng bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ trong 2 – 3 năm tới không nhiều”, ông Khoan nói.

Lý giải điều này, ông cho rằng, các nền kinh tế lớn của thế giới hiện nay chưa có dấu hiệu cho thấy suy thoái, dù có suy giảm. Bên cạnh đó, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, thế giới đã có nhiều biện pháp để ngăn ngừa các hiện tượng có thể gây ra khủng hoảng, trong đó có củng cố hệ thống ngân hàng, tài chính. “Tuy nhiên, đến năm 2030 liệu có xảy ra khủng hoảng nữa không sẽ tùy thuộc nhiều nhân tố. Tôi cho rằng, bên cạnh cạnh tranh về thương mại, nếu xảy ra chiến tranh tiền tệ thì chưa ai có thể nói trước tình hình sẽ thế nào. Do đó, chỉ còn cách cầu trời để điều này không xảy ra, bởi nếu không kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động rất lớn”, nguyên Phó Thủ tướng chia sẻ.

“Cách tiếp cận tốt nhất là 3 trong 1”

Thời gian qua, cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đã tạo ra mối quan tâm lớn đối với cả các nhà hoạch định chính sách lẫn chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, ông Khoan cho rằng, “đây vẫn chưa phải là chiến tranh thương mại mà chỉ nên gọi bằng một từ trung tính là cọ xát thương mại”.

Trên thực tế, điều này không phải lần đầu tiên diễn ra. Song, nguyên Phó Thủ tướng cho rằng, đối với cuộc cạnh tranh lần này “sẽ lên xuống, có lúc căng lên, có lúc dịu đi”. Ông dự báo, trong những năm tới, thế giới sẽ phải đối mặt hiện tượng cạnh tranh này dưới dạng thức khác nhau, diễn biến có lúc căng lúc dịu.

Cũng theo ông Khoan, cuộc cạnh tranh này sẽ không chỉ liên quan đến kinh tế thương mại mà còn liên quan chính trị, an ninh. Nói khác đi, đây là cuộc cạnh tranh về vị thế trên thế giới nên “không dễ gì thay đổi”. Do đó thời gian tới, nhiều khả năng diễn ra là cục diện trật tự kinh tế cũ chưa mất hẳn, cục diện kinh tế mới chưa được thiết lập, tức ai thắng, ai thua là chuyện không đơn giản. “Nhưng dù sao đi nữa, các nước, trong đó có Việt Nam phải đón lấy cục diện lẫn lộn như vậy. Riêng với Việt Nam, cách tiếp cận tốt nhất là “3 trong 1”.

Theo đó, Việt Nam cần tìm cách giảm bớt độ chấn thương của nền kinh tế. Cho đến nay các văn kiện chính thức của Việt Nam đã gợi ý cách để giảm bớt chấn thương này, đó là gia tăng nội lực của bản thân, trong khi vẫn hết sức tích cực để tranh thủ nguồn lực của thế giới. Biện pháp thứ hai là tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế phấn đấu cho thế giới mà tự do hóa thương mại vẫn là chiều hướng chủ yếu. Biện pháp thứ ba là phải thích nghi với thay đổi bởi đó là thực tế tất yếu.

Cũng theo vị chuyên gia này, dưới tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, mô hình phát triển của các quốc gia sẽ thay đổi, thậm chí  thay đổi sâu sắc. Do đó, Việt Nam phải tiếp cận với thay đổi này. Bởi lẽ, từ nay đến năm 2030, giai đoạn “tuổi vàng” sẽ hết, tức thế mạnh lao động trẻ và rẻ không còn hoặc mất đi rất nhiều. Thêm vào đó, nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng dần bị hạn chế.

 Do vậy, mô hình phát triển dựa vào khoa học công nghệ sẽ là tất yếu. Vấn đề là Việt Nam sẽ xác định “gene trội” của nền kinh tế là gì, đó có phải là nông nghiệp hay không? Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng cần được quan tâm cải thiện bởi đây là yếu tố đóng vai trò quyết định cho sự phát triển.