Ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa, giả mạo hàng Việt 


Trước tình trạng nhiều nhóm hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp, nhiều lĩnh vực nghiệp vụ để đấu tranh với hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa.

Cơ quan Hải quan đang tạm giữ 10 container xe đạp nghi giả mạo xuất xứ Việt Nam tại Bình Dương.
Cơ quan Hải quan đang tạm giữ 10 container xe đạp nghi giả mạo xuất xứ Việt Nam tại Bình Dương.

Trong thời gian vừa qua, diễn biến căng thẳng về thương mại giữa các cường quốc kinh tế trên thế giới dẫn đến hệ lụy không hề nhỏ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

Trước tình hình đó, vai trò quản lý, giám sát, kiểm soát của cơ quan Hải quan trở thành công cụ quan trọng chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam, thu hút dịch chuyển luồng đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam...

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp, nhiều lĩnh vực nghiệp vụ để đấu tranh với hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa.

Cụ thể, triển khai thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1662/QĐ-BTC ngày 27/8/2019 triển khai đề án của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính và sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện Đề án này.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch kiểm tra, xác minh, đấu tranh với hoạt động giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ nhằm mục đích buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chuyển tải bất hợp pháp.

Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), các giải pháp chống gian lận xuất xứ được triển khai thực hiện theo đề án, đồng thời tăng cường kiểm tra tại cửa khẩu hải quan đối với mặt hàng được kiểm soát, tăng cường kiểm tra thực địa đối với trường hợp có nghi vấn và hoạt động xuất nhập khẩu tăng đột xuất. 

Không để Việt Nam trở thành điểm trung chuyển, tiếp tay cho gian lận thương mại, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn

Trong đó, cơ quan Hải quan đã chủ động cung cấp số liệu cho các cơ quan liên quan, kiểm tra thực tế khi hàng hóa qua cửa khẩu. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng nhằm tăng cường trao đổi thông tin số liệu để xây dựng danh mục cảnh báo, có giải pháp phù hợp với hàng nghìn mặt hàng xuất nhập khẩu...

Chia sẻ thêm về giải pháp này, ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, "Việc phối hợp giữa cơ quan Hải quan, ngành Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ... để ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa là cần thiết, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng nếu như sản phẩm được tiêu thụ trong nước, và đảm bảo lợi ích của quốc gia nếu sản phẩm đó giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu...".

Trao đổi với báo chí về những giải pháp mà các cơ quan chức năng đang triển khai nhằm ngăn chặn hiện tượng gian lận xuất xứ hàng hóa, giả mạo hàng Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn khẳng định, Tổng cục Hải quan đang kiểm tra, xác minh, điều tra hàng loạt vụ việc về các đối tượng, các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước trong thời gian qua.

Chẳng hạn, cơ quan Hải quan đang tạm giữ 10 container xe đạp nghi giả mạo xuất xứ Việt Nam tại Bình Dương. Kiểm tra thực tế và hồ sơ của DN cho thấy gần như 100% lô xe đạp này được nhập từ nước ngoài, thậm chí nhãn mác cũng được dán từ nước ngoài, sau đó đưa về Việt Nam để lắp ráp và gắn xuất xứ hàng Việt Nam. 

Tại cảng Hải Phòng, cơ quan Hải quan đang tạm giữ hàng chục container máy móc thiết bị nhập từ nước ngoài và chỉ qua công đoạn gia công lắp ráp đơn giản rồi gắn mác "made in Việt Nam". 

Ngoài ra, tại các cảng như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Hải Phòng, cơ quan Hải quan cũng phát hiện nhiều container hàng thành phẩm được sản xuất ở nước ngoài (gồm quần áo, giày, linh kiện điện tử...) nhưng ghi sẵn nhãn hiệu trong nước để tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, cơ quan Hải quan cũng đã điều tra xong và sớm kết luận đối với nhóm doanh nghiệp nhập/xuất khẩu gỗ ván ép sản xuất tại Việt Nam có kê khai và được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cấp giấy chứng nhận C/O hàng Việt Nam để xuất đi Mỹ và một số thị trường, nhưng xác minh hồ sơ doanh nghiệp khai báo và kiểm tra thực tế cho thấy doanh nghiệp khai báo không chính xác.

Trước đó, cơ quan Hải quan Việt Nam đã phối hợp với Hải quan Mỹ ngăn chặn 1,8 triệu tấn nhôm có trị giá khoảng 4,3 tỉ USD có dấu hiệu gian lận xuất xứ Việt Nam, trước khi số nhôm này được xuất sang Mỹ với xuất xứ hàng Việt Nam. 

Theo ông Cẩn, phía hải quan Mỹ khẳng định, ngay cả doanh nghiệp dùng thủ đoạn nhập nhôm các loại rồi đưa vào lò nấu thành nhôm thỏi sau đó cán ra thành nhôm thanh cũng không đảm bảo xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất hàng vào Mỹ.