Kế sách “khống chế” bội chi
Khống chế bội chi ngân sách năm nay không vượt quá 3,5% GDP là nhiệm vụ khó khăn của Chính phủ. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh Luật Ngân sách nhà nước 2015 bắt đầu có hiệu lực, nếu Chính phủ kiên quyết thực hiện các giải pháp ở cả hai chiều thu, chi thì vẫn có thể đạt được mục tiêu này.
Nhiệm vụ khó khăn
Đánh giá cao quyết tâm giữ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP không quá 3,5% trong năm 2017 của Chính phủ, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, điều này thể hiện một bước chuyển lớn về tư duy điều hành ngân sách. Trên thực tế, thâm hụt ngân sách là tình trạng chung của nhiều quốc gia.
Việt Nam không phải ngoại lệ khi đang trong giai đoạn phát triển, nhu cầu đầu tư lớn. Tuy nhiên, điều đáng lo là tỷ lệ bội chi ngân sách của nước ta ngày càng lớn. Giai đoạn 2011 – 2015, bội chi năm sau đều cao hơn năm trước. Mức bội chi ngân sách thực tế trong giai đoạn này cũng cao hơn dự toán được Quốc hội (QH) thông qua. Đặc biệt, tăng chi đầu tư công ngày càng chậm, tăng chi thường xuyên ngày càng vượt lên.
Tuy vậy, giữ bội chi không quá 3,5% GDP không phải việc đơn giản. Chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ nhận định: Giảm gần 2 điểm phần trăm tỷ lệ bội chi là rất khó bởi những yếu tố giúp giảm thâm hụt ngân sách - nhìn ở cả 2 góc độ tăng thu và giảm chi - đều đang có những bất cập không thể giải quyết một sớm một chiều. Cụ thể, chi thường xuyên vẫn rất cao. Việc tinh giản bộ máy, giảm biên chế chưa chuyển biến nhiều. Nguồn thu ngân sách dựa vào tăng trưởng với mục tiêu đạt 6,7% song nhiều dự báo cho thấy khả năng tăng trưởng ước chỉ khoảng 6,5%.
Theo TS. Lưu Bích Hồ, các điểm tựa của tăng thu ngân sách đều khá bấp bênh: (1) tăng trưởng của nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu mùa; (2) ngành công nghiệp phụ thuộc vào yếu tố bất định của thị trường và năng lực cạnh tranh; (3) lĩnh vực du lịch - dịch vụ chưa thể bật nhanh, ngành du lịch phải mất nhiều năm nữa mới có thể trở thành mũi nhọn. Để có được tăng trưởng, chúng ta phải tiếp tục tăng cung vốn vào nền kinh tế nhưng ngay cả việc này cũng không còn nhiều dư địa. Vì vậy, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, nếu năm nay Chính phủ đưa mức thâm hụt ngân sách về dưới 5% GDP đã là một thắng lợi.
Vẫn có thể thành hiện thực
Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế - tài chính TS. Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, có 2 yếu tố để đưa mục tiêu này trở thành hiện thực, đó là ý chí và khả năng thực hiện. Ý chí, quyết tâm, chỉ tiêu đã rõ. Còn khả năng thực hiện thì quan trọng nhất vẫn là kiểm soát được thu và chi ngân sách.
“Muốn giảm bội chi, trước nhất phải kiểm soát được nguồn thu. Chỗ nào thất thu thuế hoặc chỗ nào tăng cường thu là phải kiểm soát được. Đồng thời phải kiểm soát được chi ngân sách, cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Tôi không loại trừ khả năng trong vấn đề đầu tư có nhiều chuyện lãng phí và tham nhũng. Giảm được chi ngân sách và tăng nguồn thu thì bội chi sẽ giảm”, TS. Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, mục tiêu này khá thách thức nhưng vẫn có thể đạt được nếu có quyết tâm chính trị. “Phải thực hiện tốt việc cơ cấu lại các nhiệm vụ chi ngân sách. Đây là giải pháp hàng đầu để không chỉ giữ cân đối ngân sách mà còn để thay đổi tư duy và nâng cao hiệu quả chi tiêu. Theo đó, phải giảm chi thường xuyên và tiết kiệm những khoản chi không cần thiết. Việc giữ cân đối ngân sách sẽ được bảo đảm hơn nếu chúng ta tăng cường chống thất thu, đặc biệt là chống những hoạt động chuyển giá, trốn thuế, nợ đọng thuế…”, TS. Phong phân tích.
Phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy, có rất nhiều giải pháp giúp giảm áp lực bội chi ngân sách nhà nước trong năm nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay cả nước có trên 54.000 đơn vị sự nghiệp công, chỉ tính riêng việc trả lương đã chiếm khoảng 38% trên tổng số gần 70% chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Nếu chúng ta xã hội hóa được việc cung cấp các dịch vụ công để giảm các khoản bao cấp từ ngân sách cũng sẽ giúp giảm chi đáng kể từ ngân sách.
Đặc biệt, năm 2017, Luật Ngân sách Nhà nước 2015 bắt đầu có hiệu lực. Luật mới quy định rõ mọi đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước, từ các dự toán ngân sách trình QH, các doanh nghiệp nhà nước đến các dự án đầu tư cơ bản sử dụng ngân sách nhà nước… đều phải công khai thu - chi.
Một điểm mới nữa là Luật quy định việc giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng, nêu rõ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì việc giám sát ngân sách nhà nước từ cộng đồng, trong đó có giám sát việc thực hiện công khai ngân sách nhà nước. Những quy định này giúp siết chặt kỷ cương, kỷ luật quản lý tài chính và ngân sách, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, qua đó giảm được bội chi.