Kế toán quản trị chi phí đối với doanh nghiệp dược trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp dược phẩm nói chung, doanh nghiệp dược phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng muốn tồn tại và phát triển bền vững cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh.
Muốn vậy, thông tin về chi phí trong các doanh nghiệp cần phải chính xác, kịp thời, đầy đủ. Một trong những công cụ đắc lực để cung cấp những thông tin này là kế toán quản trị chi phí. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, đa số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp dược phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa chú trọng nhiều tới công tác kế toán quản trị chi phí. Khảo sát thực trạng kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp thương mại dược phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp này nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tổng quát về doanh nghiệp dược phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Khảo sát thực tiễn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có thể thấy rằng, các doanh nghiệp (DN) thương mại dược phẩm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của ngành Dược Thanh Hóa. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 94 DN hoạt động kinh doanh thương mại dược phẩm, trong đó có 91 DN thương mại và 3 DN kinh doanh tổng hợp; 980 nhà thuốc và quầy thuốc. Ngoài ra còn có sự tham gia phân phối lưu thông t̉huốc của 1.432 đại lý bán lẻ. Mặc dù có quy mô tuy lớn nhưng giá trị thuốc do các DN trên địa bàn Thanh Hóa cung ứng hiện nay còn thấp, giá trị tiền thuốc bình quân đầu người chỉ đạt 17,8 USD, tương đương 345.000 đồng/năm (năm 2014) và đạt 29,8 USD tương đương 650.000 đồng/năm (năm 2018).
Như vậy, hiệu quả hoạt động của ngành Dược Thanh Hóa chưa tương xứng với tiềm năng. Giá trị thuốc do các DN trong Tỉnh cung cấp mới chỉ đáp ứng khoảng 80,7% tổng giá trị thuốc tiêu thụ hàng năm, trong khi, Thanh Hóa là tỉnh có quy mô lớn xét trên mọi khía cạnh, về diện tích đất đứng thứ 5 cả nước, về dân số đông dân nhất trong sáu tỉnh Bắc Trung Bộ (đứng thứ 3 cả nước)... Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngành Dược Thanh Hoá cần có những chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên nhiều phương diện. Đặc biệt, các DN dược phẩm trên địa bàn Tỉnh cần chú trọng công tác kế toán quản trị chi phí, để tạo lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay.
Thực trạng công tác kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp dược Thanh Hóa
Qua khảo sát thực tế tại các DN dược phẩm Thanh Hóa cho thấy, đa số các DN chưa chú trọng nhiều tới công tác kế toán quản trị chi phí. Thực trạng này được biểu hiện ở một số nội dung sau:
Về phân loại chi phí
Các DN dược phẩm trên địa bàn Tỉnh hiện nay chủ yếu phân loại chi phí theo nội dung kinh tế của chi phí, cụ thể:
- Đối với DN kinh doanh tổng hợp: Phân loại chi phí theo yếu tố chi phí như: Yếu tố chi phí nguyên vật liệu, yếu tố chi phí nhân công, yếu tố chi phí khấu hao tài sản cố định, yếu tố dịch vụ mua ngoài và yếu tố các chi phí khác bằng tiền.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 94 doanh nghiệp kinh doanh thương mại dược phẩm, trong đó có 91 doanh nghiệp thương mại và 3 doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp; 980 nhà thuốc và quầy thuốc. Ngoài ra còn có sự tham gia phân phối, lưu thông thuốc của 1.432 đại lý bán lẻ.
- Đối với DN thương mại: Chi phí được phân loại theo các tiêu thức sau: Chi phí vận chuyển hàng hoá, chi phí về thu mua, bảo quản và tiêu thụ hàng hoá (Tiền lương, các khoản bảo hiểm; tiền thuê nhà, công cụ lao động dùng cho mua bán và quản lý hàng hoá; chi phí sửa chữa tài sản cố định (TSCĐ); chi phí bao bì, đóng gói hàng hoá và bảo quản hàng hoá; chi phí về nguyên liệu, vật liệu, điện nước; chi phí quảng cáo; chi phí đào tạo; chi phí bảo hành sản phẩm hàng hoá; chi phí hoa hồng trả cho các đại lý; các chi phí khác...). Tuy nhiên, các DN dược phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chỉ hướng đến mục đích cung cấp thông tin cho kế toán tài chính lập báo cáo tài chính.
Về xây dựng định mức và lập dự toán chi phí
Việc xây dựng định mức và dự toán chi phí vẫn chưa được các DN thương mại dược phẩm tại tỉnh Thanh Hóa quan tâm. Hệ thống định mức hiện các DN đang áp dụng chưa đồng bộ, mang tính kỹ thuật, cung cấp giới hạn các yếu tố cấu thành nên sản phẩm. Thông tin định mức chưa gắn với chi phí, nên công tác dự toán chi phí gặp nhiều khó khăn.
Về kế toán chi phí hoạt động và tính giá vốn của hàng hóa: Mục tiêu hoạt động của các DN là hướng tới lợi nhuận. Một trong các cách để giải quyết vấn đề này là tối thiểu hóa chi phí và hạ thấp giá vốn của hàng hóa đầu vào. Hiện nay, kế toán chi phí hoạt động và tính giá vốn hàng hóa tại các DN dược phẩm trên địa bàn Thanh Hóa được khảo sát gồm có các nội dung sau:
Thứ nhất, xác định đối tượng kế toán chi phí hoạt động: Tùy theo từng loại chi phí mà kế toán tiến hành xác định đối tượng cho phù hợp, cụ thể:
- Đối với chi phí mua hàng: Kế toán chi phí là từng loại hàng hóa, nhóm hàng hóa; từng thị trường kinh doanh...
- Đối với chi phí bán hàng: Kế toán chi phí là từng chi nhánh, kênh phân phối trung gian; từng bộ phận bán hàng...
- Đối với chi phí quản lý DN: Đối tượng kế toán chi phí có thể là toàn bộ các chi phí phát sinh chung.
- Đối với chi phí tài chính: Đối tượng kế toán chi phí được tính toán theo từng hoạt động tài chính phát sinh cụ thể.
- Đối với chi phí khác: Đối tượng kế toán chi phí là từng hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định; từng hợp đồng kinh tế vi phạm...
Thứ hai, xác định đối tượng tính giá vốn của hàng hóa: Đối với các DN thương mại dược phẩm tại Thanh Hóa, đối tượng tính giá vốn chính là từng sản phẩm, hàng hóa hoặc từng lô hàng, đơn hàng...
Thứ ba, xác định trị giá gốc của hàng hóa mua vào: Sau khi xác định được đối tượng kế toán chi phí hoạt động và đối tượng tính giá của hàng hóa, DN tiến hành tính toán giá vốn của hàng bán theo công thức sau:
Giá vốn hàng mua về = Giá mua + chi phí thu mua (chi phí vận chuyển, bốc dỡ, chi phí lưu kho, bãi, bảo quản...)
Thứ tư, về phương pháp phân bổ chi phí: Thực tế khảo sát cho thấy, 85% các DN thương mại dược phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay không áp dụng phương pháp phân bổ chi phí phát sinh chung, chỉ tập hợp một lần vào cuối kỳ, sau đó xác định kết quả hoạt động kinh doanh cho toàn DN, chứ không thực hiện việc phân bổ chi phí chung cho từng hàng hóa, nhóm hàng hóa để tính kết quả kinh doanh riêng đối với từng loại, nhóm hàng hóa. Với sự phát triển của các phương pháp khoa học hiện đại, việc các DN dược phẩm tại Thanh Hóa chưa áp dụng phương pháp phân bổ chi phí là không phù hợp với nền kinh tế thị trường. Điều này khiến cho DN không phản ánh được một cách đầy đủ và chính xác sự phát sinh của chi phí cho từng loại, nhóm hàng hóa. DN cũng không có cơ sở chính xác, đầy đủ về kết quả lãi, lỗ của từng loại, nhóm hàng hóa, để có thể điều chỉnh hoạt động kinh doanh cho phù hợp.
Về tổ chức bộ máy kế toán quản trị chi phí
Với hệ thống kế toán quản trị chi phí như hiện nay, các DN thương mại dược phẩm Thanh Hóa khó có thể đứng vững trong môi trường cạnh tranh hiện nay. Khảo sát cho thấy, bộ máy kế toán trong một số DN thương mại dược phẩm tại Thanh Hóa hiện nay chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ của kế toán tài chính, chưa chú trọng nhiều đến kế toán quản trị chi phí. Kế toán viên chỉ tập trung vào công tác thu nhận, ghi chép, tổng hợp và cung cấp thông tin cho kế toán tài chính của công ty.
Đặc biệt, các DN dược phẩm trên địa bàn Thanh Hóa chưa có nhân sự chuyên trách về kế toán quản trị. DN quy mô lớn tuy đã áp dụng kế toán quản trị và sử dụng các báo cáo bộ phận về doanh thu, chi phí, tuy nhiên hoạt động này chưa đồng bộ và chuyên sâu, do đó, chưa thực sự gắn kết thông tin kế toán tài chính với kế toán quản trị chi phí…
Đề xuất, khuyến nghị
Để duy trì và nâng cao lợi nhuận, các DN nói chung, DN dược phẩm trên địa bàn Thanh Hóa nói riêng cần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động kinh doanh, chú trọng công tác quản trị chi phí, trước mắt cần tập trung vào một số định hướng sau:
Thứ nhất, về phân loại chi phí.
Hiện nay, các DN thương mại dược phẩm tại Thanh Hóa chủ yếu đang thực hiện phân loại chi phí nhằm cung cấp thông tin cho hạch toán kế toán tài chính, chưa đáp ứng được yêu cầu của kế toán quản trị chi phí. Do đó, các DN dược phẩm tại Thanh Hóa cần tiến hành phân loại chi phí sao cho phù hợp với điều kiện và đặc thù hoạt động để lập kế hoạch chi phí, kiểm soát chi phí tối ưu. Tuy nhiên, để đạt được nhiều mục tiêu về nhu cầu thông tin, các DN nên thực hiện phân loại chi phí theo mức độ hoạt động.
Thứ hai, về xây dựng định mức và lập dự toán chi phí.
Các DN thương mại dược phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay chủ yếu mới lập định mức kỹ thuật và lập kế hoạch mang tính chất tổng thể cho toàn đơn vị. Trong khi đó, định mức cần thiết phải thực hiện xây dựng theo hai dạng, đó là định mức kỹ thuật và định mức chi phí. Đây là cơ sở quan trọng cho việc lập dự toán chi phí. Do vậy, nếu khâu dự toán được lập chính xác thì sẽ giúp công ty tiết kiệm được chi phí; Giúp đơn vị dự báo được những vấn đề khó khăn trong quá trình thu mua, tiêu thụ hàng hóa, quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát chi phí trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt thông qua đó, nhà quản trị sẽ xây dựng được kế hoạch huy động nguồn lực một cách phù hợp.
Thứ ba, về kế toán chi phí hoạt động và tính giá vốn của hàng hóa.
Tập hợp và phân bổ chi phí là vấn đề DN dược phẩm tại Thanh Hóa cần quan tâm, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định, tính toán chi phí thực tế cấu thành nên giá gốc của hàng hóa. Với mỗi cách tập hợp chi phí khác nhau, sẽ đưa ra những kết quả giá vốn của cùng một loại hàng hóa là khác nhau. Hiện nay, các DN thương mại dược phẩm trên địa bàn Thanh Hóa đa phần không tiến hành phân bổ chi phí phát sinh chung cho từng loại, nhóm hàng hóa, do đó, để có thể tính toán được giá vốn sát thực cho từng loại, nhóm hàng hóa, các công ty cần chú trọng đến các phương pháp phân bổ, đặc điểm của chi phí, để lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí phù hợp.
Thứ tư, về tổ chức bộ máy kế toán quản trị chi phí.
Việc tổ chức bộ máy kế toán quản trị chi phí đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nói chung, các DN dược phẩm Thanh Hóa nói riêng. Đây là đầu mối cung cấp những nguồn thông tin quan trọng cho nhà quản trị DN trong quá trình điều hành, hoạch định và ra các quyết định kinh doanh. Do vậy, để có được thông tin trọng tâm, kịp thời, nhà quản trị phải biết lựa chọn cho DN mình một bộ máy kế toán quản trị chi phí phù hợp với đặc điểm hoạt động, quy mô và địa bàn hoạt động của DN… Theo khảo sát, đa số các DN thương mại dược phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có quy mô vừa và nhỏ (92/94 DN có quy mô vừa và nhỏ), do vậy, các DN dược phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nên áp dụng mô hình kết hợp giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị. Việc sử dụng mô hình kết hợp sẽ giúp các DN vừa tận dụng được nhân sự của bộ phận kế toán tài chính, vừa kết hợp hiệu quả thông tin kế toán tài chính và kế toán quản trị.
Tóm lại, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, DN nói chung, DN dược phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng muốn tồn tại và phát triển bền vững cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Muốn vậy, các DN dược phẩm tại Thanh Hóa cần khẩn trương xây dựng và hoàn thiện kế toán quản trị chi phí; thông tin về chi phí trong các DN cần phải chính xác, kịp thời, đầy đủ, làm cơ sở để giúp các DN thương mại dược phẩm trên địa bàn Thanh Hóa nói riêng và DN Việt Nam nói chung nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính, Thông tư số 53/2006/TT- BTC hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp;
2. Sở Y tế Thanh Hóa, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Dược Thanh Hóa giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
3. Đoàn Xuân Tiên (2008), Kế toán quản trị doanh nghiệp, NXB Tài chính;
4. Nguyễn Ngọc Quang (2011), Giáo trình Kế toán quản trị, NXB Đại học Kinh tế quốc dân;
5. Trần Đình Phụng (1998), Kế toán quản trị, NXB Trẻ.