Chuẩn mực kế toán Việt Nam và tính cấp thiết áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế
Nghiên cứu này đánh giá chung những thành quả và tồn tại trong hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam; chỉ ra tính cấp thiết của việc triển khai áp dụng hệ thống IFRS từ đó đề xuất một số kiến nghị liên quan.
Trong hội nhập, để cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển bền vững, hỗ trợ thị trường tài chính, bảo vệ nhà đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài, đòi hỏi đặt ra là cần phải nâng cao tính minh bạch của thông tin tài chính. Đặc biệt, để tiếp cận các dòng vốn trên thị trường quốc tế, niêm yết tại thị trường nước ngoài, yêu cầu lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) là nhu cầu bức thiết và là xu hướng tất yếu của các tập đoàn, các công ty đại chúng.
Kết quả và một số tồn tại trong hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam
Hệ thống chuẩn mực kế toán (CMKT) Việt Nam (VAS) đã đạt được những thành quả nhất định. Việt Nam đã hình thành một hệ thống các chuẩn mực phản ảnh tương đối đầy đủ các giao dịch cơ bản của doanh nghiệp (DN). Điều đáng ghi nhận là các chuẩn mực này được xây dựng và ban hành khá nhanh chóng. Bước đầu giải quyết được mối quan hệ giữa chuẩn mực và hệ thống kết toán thống nhất. Đây là một thách thức của tất cả các quốc gia hội nhập kế toán trong điều kiện đang tồn tại hệ thống kế toán thống nhất.
Đồng thời, đã tạo dựng được sự nhận thức của xã hội về CMKT. Các bên liên quan đến báo cáo tài chính (BCTC) đều ý thức ở mức độ nhất định về vai trò của CMKT trong công tác lập và trình bày BCTC. Đây là một trong những thành quả đáng lưu ý, vì Việt Nam hình thành chuẩn mực trong bối cảnh khái niệm này còn hoàn toàn mới mẻ.
Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn cũng còn một số tồn tại như:
Một là, sự khác biệt của VAS so với chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS), đồng thời chưa có sự bổ sung, chỉnh sửa kịp thời. Năm 2001 là thời điểm ban hành CMKT đầu tiên, trong giai đoạn này kinh tế Việt Nam nói chung mới phát triển, cơ sở hạ tầng kế toán đang dần hoàn thiện. Vì thế nhằm tránh biến động kinh tế cũng như để phù hợp với đặc điểm riêng của nền kinh tế nên khi xây dựng CMKT, Việt Nam đã điều chỉnh một số nguyên tắc, phương pháp và những nội dung CMKT không tương thích hoặc chưa cần thiết trong thời kỳ này.
Chính điều này đã tạo sự khác biệt về nội dung giữa VAS so với IFRS. Ngoài ra, trong hơn 7 năm qua, nhiều chuẩn mực quốc tế đã được ban hành hoặc ban hành lại nhưng Việt Nam mới chỉ tiến hành việc cập nhật gần đây. Điều này càng làm tăng thêm khoảng cách giữa hai hệ thống. Bên cạnh đó, hệ thống CMKT từ khi ban hành lần đầu năm 2001 đến nay mặc dù đã có những góp ý sửa đổi nhưng đến nay qua nhiều năm vẫn chưa được cập nhật để bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tế.
Hai là, phạm vi chi phối của hệ thống VAS: Hệ thống VAS hiện nay được ban hành áp dụng chung cho tất cả DN thuộc các ngành, các thành phần kinh tế, không phân biệt DN niêm yết và không niêm yết, DN có quy mô lớn hay nhỏ và vừa. Nếu CMKT được áp dụng chung sẽ dẫn đến nơi thiếu, chỗ thừa. Điều này dẫn đến hệ thống hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi đó phần lớn DN nhỏ và vừa không niêm yết thì hệ thống CMKT trở nên quá tầm, nhiều nội dung quá phức tạp.
Ba là, sự bất tương quan giữa các CMKT và chế độ kế toán (CĐKT) DN: Để đi vào thực tiễn, hệ thống VAS phải thông qua các hướng dẫn hay quy định của CĐKT DN. Lý do là các DN Việt Nam buộc phải sử dụng hệ thống tài khoản kế toán Việt Nam. Do đó, một khi chuẩn mực được ban hành nhưng chưa có thông tư hướng dẫn, các DN chưa thể áp dụng cho đến khi thông tư hướng dẫn được ban hành. Vì vậy, trên thực tế khi có những vấn đề chưa nhất quán giữa chuẩn mực và CĐKT DN, các DN thường ưu tiên áp dụng theo CĐKT. Đây là một nguyên nhân giảm vai trò của CMKT và tạo khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn các chuẩn mực.
Bốn là, khả năng xử lý và mức độ triển khai CMKT trong thực tế đạt hiệu quả chưa cao. CMKT đã xử lý và giải quyết cơ bản các vấn đề liên quan đến thực tiễn hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, việc triển khai, áp dụng CMKT vào thực tiễn chưa hiệu quả và có sự giảm dần từ ghi nhận đến trình bày thông tin và đánh giá.
Năm là, tính tuân thủ của các DN trong việc áp dụng VAS còn hạn chế. Việc tuân thủ CMKT trong thực tiễn của các DN nói chung và DN nhà nước nói riêng còn hạn chế và hiện trạng cho thấy, các DN khi thực thi chính sách kế toán đã chưa tuân thủ đúng mức đến các điều kiện ghi nhận, phương pháp đánh giá và đặc biệt là trình bày và công bố thông tin theo yêu cầu CMKT.
Tính cấp thiết của việc áp dụng IFRS tại Việt Nam
Trong 10 năm gần đây, việc áp dụng IFRS đã phát triển nhanh chóng và được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới. Tại Việt Nam hiện nay, đa phần BCTC của các DN đang được áp dụng theo VAS được Bộ Tài chính ban hành thành 5 đợt từ năm 2001 đến năm 2005 với 26 chuẩn mực, chỉ có một số DN có vốn đầu tư nước ngoài hoặc niêm yết trên thị trường quốc tế lập BCTC theo IFRS .
Về cơ bản, không thể phủ nhận tác dụng tích cực của VAS trong giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi về thể chế kinh tế trong nước cũng như thay đổi trong hệ thống IFRS trong giai đoạn hiện nay, VAS đã bộc lộ nhiều tồn tại, đặc biệt là những giao dịch của nền kinh tế thị trường mới phát sinh chưa được VAS giải quyết thấu đáo như: Việc ghi nhận và đánh giá tài sản, nợ phải trả theo giá trị hợp lý, ghi nhận tổn thất tài sản, việc kế toán các công cụ tài chính phái sinh cho mục đích kinh doanh và phòng ngừa rủi ro… chưa có hướng dẫn cụ thể.
Cùng với sự gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như phục vụ cho mục tiêu kêu gọi vốn đầu tư, các DN cần có một bản BCTC lập theo IFRS đầy đủ, minh bạch, chính xác và có độ tin cậy cao. Trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới, để cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển bền vững, hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK), bảo vệ nhà đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã yêu cầu phải nâng cao tính minh bạch của thông tin tài chính.
Một số kiến nghị
Để đẩy nhanh việc áp dụng IFRS tại Việt Nam, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp các ngành và chính bản thân các DN. Cụ thể:
Về phía Nhà nước
- Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong việc áp dụng chuẩn mực BCTC đến các DN.
- Giám sát việc tuân thủ chuẩn mực đối với các DN trong việc trình bày và công bố thông tin.
- Hoàn thiện hành lang pháp lý về các luật, nghị định và thông tư hướng dẫn góp phần lành mạnh hóa môi trường pháp lý đối với hoạt động kế toán nói riêng và lĩnh vực kinh tế nói chung.
- Đảm bảo tính độc lập về lợi ích khi ban hành các CMKT cũng như các quy định về thuế.
- Nghiên cứu ban hành chuẩn mực và thông tư hướng dẫn chuẩn mực phù hợp, thống nhất trong bối cảnh CMCN 4.0.
- Nâng cao vai trò của Hội đồng Kế toán quốc gia. Hội đồng cần đảm trách vai trò như một tổ chức tư vấn độc lập đối với việc xây dựng hệ thống chuẩn mực VAS cả trong quy định lẫn trong thực tiễn áp dụng.
- Cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa để các công ty nước ngoài đầu tư vào dịch vụ kế toán, kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Về phía doanh nghiệp
Đối với DN, theo nhận định của các chuyên gia, các DN cần phải nỗ lực để đáp ứng yêu cầu đặc biệt các ngân hàng, bảo hiểm cũng như các công ty niêm yết nhằm đáp ứng trong xu thế hội tụ kế toán quốc tế. Do vậy, các DN cần phải: Nhận thức được tầm quan trọng trong việc tuân thủ các quy định; Tìm hiểu để nâng cao kiến thức bởi các nhà quản lý là những người trực tiếp quyết định trong việc thực hiện các quy định trong chuẩn mực; Nâng cao năng lực đội ngũ hành nghề kế toán.
Đội ngũ hành nghề kế toán là người trực tiếp vận dụng chuẩn mực BCTC vào thực tiễn trong các DN. Do đó đội ngũ hành nghề cần được đào tạo liên tục để nâng cao năng lực nhằm vận dụng chuẩn mực một cách có hiệu quả; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin và quản trị để đáp ứng cơ sở hạ tầng kế toán cho DN.
Về phía tổ chức nghề nghiệp
Đối với tổ chức nghề nghiệp, cần thực hiện các vấn đề sau:
- Vai trò của Tổ chức nghề nghiệp phải được nâng cao để trở thành một tổ chức nghề nghiệp đủ mạnh có thể đảm trách việc soạn thảo chuẩn mực cũng như giám sát thực thi chuẩn mực của các DN.
- Để có thể thực hiện trọng trách, tổ chức nghề nghiệp cần tổ chức lại nhân sự, củng cố đội ngũ bằng việc huy động lực lượng các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các công ty kiểm toán, nhà làm luật, các kế toán trưởng.
- Tổ chức nghề nghiệp tham gia đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn cho các nhà quản lý, những người hành nghề để cập nhật kiến thức nâng cao nghiệp vụ.
- Khuyến khích biên soạn các tài liệu hướng dẫn và giải thích về chuẩn mực BCTC nhằm tạo sự đa dạng và phong phú nguồn tư liệu, giúp người sử dụng được hiểu rõ những nội dung, các vấn đề, nội dung trong chuẩn mực.
- Tăng cường hơn nữa việc kết hợp với các tổ chức nghề nghiệp nước ngoài, để mở rộng các khóa đào tạo để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho người hành nghề.
- Đổi mới việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ đối với người hành nghề (CPA Việt Nam), trong đó cần đổi mới nội dung đề thi theo hướng mở rộng giải quyết các vấn đề trên cơ sở nguyên tắc, quy định liên quan đến chuẩn mực hơn là xử lý các nghiệp vụ trên tài khoản để nâng cao tính xét đoán trong nghề nghiệp.
- Giữ vai trò hỗ trợ và phản biện trong việc xây dựng và ban hành các CMKT cũng như các chính sách, chế độ liên quan đến kế toán.
- Đổi mới chương trình đào tạo và cải tiến phương pháp giảng dạy là một trong những vấn đề quan trọng, góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng về kế toán, trong đó các cơ sở giáo dục bao gồm trường đại học, cao đẳng, các học viện cần đổi mới chương trình đào tạo ngành kế toán kiểm toán theo hướng tăng cường giảng dạy các nội dung liên quan đến VAS và quốc tế hơn là giảng dạy kỹ năng, xử lý tài khoản kế toán như hiện nay để đào tạo người hành nghề kế toán có năng lực cao và có thể vận dụng tốt chuẩn mực BCTC.
Kết luận
Trước xu thế toàn cầu hoá và hội nhập khu vực, việc duy trì VAS/VFRS cho các BCTC của DN được xem là một trong những rào cản để thu hút đầu tư từ nước ngoài, thu hút vốn ngoại có giá thấp trên các thị trường vốn quốc tế. BCTC của nhiều DN Việt Nam hiện đang bị đánh giá chưa minh bạch, chưa phản ánh đúng tình hình tài chính và kinh doanh của tổ chức...
Để hỗ trợ DN nâng tầm cạnh tranh quốc tế cũng để Việt Nam có thể nhanh chóng hội nhập, nhu cầu phải áp dụng IAS/IFRS Việt Nam hiện đang cấp bách hơn bao giờ hết. Để làm được điều này nhất thiết cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng như: Bộ Tài chính, Cơ quan Thuế, DN, các cơ sở đào tạo trong nước…
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Tài chính (2001), Chuẩn mực kế toán, ban hành theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC;
- Bộ Tài chính (2002), Chuẩn mực kế toán, ban hành theo quyết định số 162/2002/QĐ-BTC;
- IASB (2010), The Conceptual Framework for Financial Reporting, was approved September, 2010;
- IASB (2010), IFRS Practice Statement Management Commentary;
- Các website: sav.gov.vn, tapchitaichinh.vn, thoibaotaichinhvietnam.vn…