Đổi mới phương thức bảo quản:
Kéo dài thời hạn bảo quản thóc dự trữ quốc gia
(Tài chính) Tổng cục Dự trữ Nhà nước – Bộ Tài chính đang triển khai rà soát sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc dự trữ quốc gia (DTQG) (thay thế QCVN 14: 2011/BTC). Theo đó, có thể kéo dài thời hạn lưu kho đối với thóc dự trữ.
Theo đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc dự trữ quốc gia có các nội dung cơ bản được giữ nguyên như QCVN 14: 2011/BTC, có sửa đổi, bổ sung các nội dung như: Loại bỏ công nghệ bảo quản thoáng, bổ sung công nghệ bảo quản thóc đóng bao trong môi trường áp suất thấp; chỉ tiêu chất lượng thóc nhập kho và chất lượng thóc xuất kho; xác định tối đa khối lượng một lô thóc bảo quản đổ rời và đóng bao để đảm bảo việc bảo quản an toàn; quy định sử dụng bao đay và bao PP; thời gian lưu kho thóc bảo quản trong điều kiện áp suất thấp.
Theo ông Phan Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Bảo quản (Tổng cục Dự trữ Nhà nước)- bảo quản lương thực là công tác quan trọng nhất sau thu hoạch, góp phần bảo đảm an toàn lương thực quốc gia.
Trong bảo quản lương thực việc đưa công nghệ và kỹ thuật bảo quản là khâu then chốt nhất quyết định chất lượng hiệu quả của công tác bảo quản lương thực. Chính vì vậy, quy định về bảo quản thóc trong điều kiện áp suất thấp sẽ được áp dụng theo hai phương thức.
Thứ nhất, bảo quản thóc đổ rời trong điều kiện áp suất thấp, lô thóc bảo quản đổ rời được bọc kín trong túi nhựa Polyvinylclorua (PVC), nên luôn được duy trì một áp suất âm tối thiểu là 98 Pa (mức chênh lệch cột nước trên áp kế là 10 mm) trong thời gian bảo quản.
Thứ hai, thóc được đóng trong các bao “đóng 45kg/bao đối với bao PP hoặc đóng 70kg/bao đối với bao đay” được bọc kín trong túi nhựa Polyvinylclorua (PVC), phương pháp này giúp lô thóc luôn được duy trì một áp suất âm tối thiểu là 98 Pa (mức chênh lệch cột nước trên áp kế là 10 mm) trong thời gian bảo quản.
Chất lượng thóc ban đầu nhập kho rất quan trọng ảnh hưởng đến quá trình bảo quản và chất lượng khi xuất ra. Để tăng cường công tác quản lý chất lượng thóc nhập kho do mua của mọi đối tượng, ông Tuấn cho biết, ngay sau khi lô thóc nhập đủ khối lượng quy định, đơn vị tổ chức phải lấy mẫu gửi thử nghiệm, nhằm kiểm tra đảm bảo cho chất lượng thóc khi nhập.
Nâng thời hạn bảo quản
Theo phản ánh của nhiều địa phương việc bảo quản thóc là khâu quan trọng song rất khó nếu không có những quy chuẩn nghiêm ngặt. Bởi trong quá trình bảo quản bị tác động của môi trường, hạt thóc thường bị một số hiện tượng: nấm mốc, lên men, nhiễm sâu mọt, dịch chuyển ẩm trong khối hạt, bốc nóng khiến chất lượng giảm sút, hàm lượng các chất dinh dưỡng và giá trị thương phẩm giảm.
Xuất phát từ thực tế này, theo dự thảo quy chế việc bảo quản thóc trong kho phải trải qua nhiều khâu như: Làm kín lô thóc, phương pháp thử độ kín, hút khí trong quá trình bảo quản. Một số chỉ tiêu cơ bản đánh giá lô thóc an toàn, chế độ vệ sinh, công tác kiểm tra, xử lý chống đọng sương, công tác phòng trừ sinh vật hại.
Công tác bảo quản ngày càng được nâng cao, hạn chế được các ảnh hưởng đến chất lượng thóc bảo quản, dự thảo quy chuẩn đã nâng thời hạn bảo quản so với quy định cũ. Cụ thể thóc bảo quản đổ rời trong điều kiện áp suất thấp sẽ được lưu kho 30 tháng; thóc bảo quản đóng bao trong điều kiện áp suất thấp tại khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên thời gian lưu kho 30 tháng; thóc bảo quản đóng bao trong điều kiện áp suất thấp tại các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực TP. Hồ Chí Minh, Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ thời gian lưu kho đến 18 tháng.