Kết nối dữ liệu Phần mềm Quản lý tài sản công phải tuân thủ quy định an toàn thông tin mạng
Theo Bộ Tài chính, một trong những nguyên tắc kết nối dữ liệu vào Phần mềm Quản lý tài sản công là phải tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng…
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 48/2023/TT-BTC hướng dẫn việc quản, sử dụng, khai thác Phần mềm Quản lý tài sản công.
Theo đó, tài sản công cập nhật thông tin vào Phần mềm này được quy định bao gồm: tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội; tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Thông tư số 48/2023/TT-BTC nêu rõ, Phần mềm do Bộ Tài chính xây dựng nhằm ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc tin học hoá quá trình báo cáo kê khai tài sản công, gồm: tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Đồng thời giúp theo dõi tình hình biến động (tăng, giảm, thay đổi thông tin); tình hình khai thác, xử lý các loại tài sản công phải báo cáo kê khai vào Phần mềm; kết xuất Báo cáo về tài sản công theo quy định của pháp luật; Tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản công trong phạm vi cả nước, từng Bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án, đơn vị chủ trì quản lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân để hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo Thông tư số 48/2023/TT-BTC, các cơ quan quản lý công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: hoàn thiện các quy định về kết nối và bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan; Tuân thủ các quy định về kết nối dữ liệu vào Phần mềm tại Điều 11 và Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; Thông báo, phản ánh về tình hình kết nối, khai thác Phần mềm với Bộ Tài chính (Cục Quản lý cộng sản và Cục Tin học và Thống kê tài chính).
Cơ quan tài chính các Bộ, cơ quan trung ương, Sở Tài chính có trách nhiệm nhập, duyệt, chuẩn hoá dữ liệu trong Phần mềm theo quy định của Thông tư này, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và hướng dẫn của Bộ Tài chính (nếu có), đảm bảo và chịu trách nhiệm về tính logic, thống nhất, đầy đủ, kịp thời, bảo mật của dữ liệu tài sản công của Bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Phần mềm; Tạo tài khoản nhập dữ liệu của đơn vị được phân cấp nhập dữ liệu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Thông tư này trong trường hợp được Bộ Tài chính đồng ý cho phân cấp nhập dữ liệu và có văn bản kèm theo danh sách tài khoản gửi Bộ Tài chính để duyệt tài khoản…
Quy định về việc nhập dữ liệu tài sản vào Phần mềm, Thông tư nêu rõ, thông tin dữ liệu tài sản công cập nhật vào Phần mềm là thông tin tại báo cáo kê khai của cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án, đơn vị chủ trì quản lý tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Về duyệt dữ liệu trên Phần mềm, Bộ Tài chính quy định, chậm nhất là 07 ngày làm việc, kể từ ngày dữ liệu được nhập vào Phần mềm và cơ quan tài chính các Bộ, cơ quan trung ương, Sở Tài chính nhận được báo cáo kê khai của cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án, đơn vị chủ trì quản lý tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân, cán bộ quản lý có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu dữ liệu giữa báo cáo kê khai và dữ liệu đã nhập vào Phần mềm để thực hiện duyệt dữ liệu đối với: Tài sản tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án là đất, nhà, xe ô tô hoặc tài sản cố định khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản; Các tài sản trong từng Quyết định tịch thu hoặc Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Đối với tài sản không thuộc phạm vi quy định nêu trên, sau khi cán bộ sử dụng nhập dữ liệu vào Phần mềm thành công thì mọi thông tin về tài sản là dữ liệu chính thức, không phải thực hiện duyệt dữ liệu đối với các tài sản này.
Tại Thông tư này, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị khi kết nối dữ liệu vào Phần mềm phải tuân thủ nguyên tắc tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, các quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đối với Phần mềm và các hệ thống thông tin kết nối với Phần mềm.
Cùng với đó, tuân thủ các quy định tại Điều 7, Điều 13 Nghị định số 64/2007/NĐ- CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước.
Việc kết nối dữ liệu phải tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tài chính và Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh. Kết nối dữ liệu giữa Bộ Tài chính với các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia; kết nối dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong phạm vi Bộ Tài chính thông qua Nền tảng tích hợp dữ liệu dùng chung của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, kết nối dữ liệu vào Phần mềm phải bảo đảm quyền được tiếp cận, khai thác, sử dụng dữ liệu hợp pháp theo quy định của pháp luật; bảo đảm việc tìm kiếm, khai thác thông tin được thuận tiện, không làm hạn chế quyền khai thác, sử dụng Phần mềm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân do yếu tố kỹ thuật…