Kết quả công tác thanh, kiểm tra tài chính 6 tháng đầu năm 2014

PV

(Tài chính) Trong 6 tháng đầu năm 2014, quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, công tác thanh tra, kiểm tra tài chính đã được tăng cường, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giữ vững kỷ cương, kỷ luật tài chính; góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kết quả cụ thể:

Sáu tháng đầu năm 2014, Thanh tra Bộ Tài chính đã triển khai 08 cuộc thanh tra chuyên ngành; nội dung thanh tra tập trung vào những vấn đề mang tính thời sự, được dư luận xã hội quan tâm, phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ như: quản lý, bình ổn giá Sữa trẻ em; công tác quản lý nợ công; công tác hoàn thuế GTGT... Qua thanh tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.350,4 tỷ đồng và 6.241.443 USD (trong đó: tăng thu NSNN: 670,2 tỷ đồng và 6.241.443 USD; giảm chi NS: 610,5 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 69,7 tỷ đồng).

Qua thanh tra đã phát hiện nhiều đơn vị sai phạm trong quản lý, điều hành tài chính, ngân sách như:

- Lĩnh vực quản lý, điều hành ngân sách địa phương:

Một số địa phương chưa ban hành đầy đủ định mức chi thường xuyên; chưa ban hành hoặc chưa điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên sát với giá thị trường; phê duyệt đơn giá cho thuê đất chưa kịp thời; trích nguồn cải cải cách tiền lương không đúng quy định. Quyết định đầu tư vượt quá khả năng nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương; bố trí kế hoạch vốn, huy động vốn để đầu tư còn chưa đúng quy định. Qua thanh tra, kiến nghị các địa phương hoàn trả ngân sách số tiền trên 153,9 tỷ đồng; giảm trừ quyết toán chi đầu tư XDCB trên 106,5 tỷ đồng.

- Lĩnh vực quản lý vốn đầu tư xây dựng tại các dự án đầu tư:

Kết quả thanh tra cho thấy, các đơn vị thực hiện phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của các dự án tăng rất lớn so với phê duyệt ban đầu. Tình trạng lập, thẩm định phê duyệt tăng không đúng dự toán các gói thầu xây lắp và chưa đủ căn cứ do tính sai định mức, sai đơn giá, khối lượng xây lắp... vẫn còn phổ biến; công tác nghiệm thu, thanh toán tăng không đúng giá trị khối lượng công việc hoàn thành vẫn còn xảy ra; qua thanh tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý 471,5 tỷ đồng (trong đó: giảm trừ dự toán, giá trị hợp đồng do ký tăng không đúng  373,7 tỷ đồng; giảm trừ giá trị khối lượng nghiệm thu, thanh quyết toán lần kế tiếp 97,9 tỷ đồng).

- Lĩnh vực quản lý tài chính Bộ, ngành:

Một số đơn vị dự toán thực hiện thu phí, lệ phí còn cao hơn hoặc không có trong quy định; miễn giảm chi phí khám chữa bệnh không đúng đối tượng; Quy chế chi tiêu nội bộ chưa bao quát hết các khoản thu, khoản chi thực tế phát sinh, chưa xây dựng định mức cụ thể một số khoản chi. Trong lĩnh vực Y tế còn tình trạng mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao không căn cứ theo kế hoạch đấu thầu; chi phẫu thuật, thủ thuật không có trong danh mục được ban hành... Trong lĩnh vực Khoa học công nghệ có tình trạng: lập, giao dự toán thu, chi không sát với thực hiện năm trước liền kề; lập và giao dự toán kinh phí về tiền lương, phụ cấp lương và chi quản lý hành chính cao hơn thực tế; không phán ánh trên báo cáo tài chính kinh phí phải thu hồi của các nhiệm vụ khoa học công nghệ; chưa thực hiện ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước kinh phí nhận viện trợ tài trợ... Qua thanh tra đã kiến nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung  nhiều chính sách chế độ liên quan đến định mức tiêu hao y tế; đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư; cơ chế hoạt động điều trị tự nguyện.... ; kiến nghị xử lý về tài chính trên 90,7 tỷ đồng.  

- Lĩnh vực quản lý tài chính tại các doanh nghiệp:

Qua thanh tra đã phát hiện tình trạng sai phạm phổ biến là hạch toán không đúng kết quả sản xuất kinh doanh, hạch toán không đầy đủ doanh thu, tăng không đúng chi phí để trốn thuế; chấp hành không đúng trình tự, thủ tục đầu tư các dự án hình thành tài sản cố định. Một số doanh nghiệp đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp chưa có hiệu quả dẫn đến mất vốn; nợ khó thu hồi, hàng tồn kho lớn; chưa thực hiện nộp tiền thu từ cổ phần hóa về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp số tiền trên 672, 8 tỷ đồng ... Thanh tra Bộ cũng phát hiện nhiều sai phạm trong việc thực hiện quy định về ưu đãi đầu tư, kê khai, nộp thuế, dẫn đến nộp thiếu thuế số tiền trên 100 tỷ đồng và  6.241.443 USD;

- Lĩnh vực quản lý Giá:

Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động của thị trường giá cả được tích cực triển khai cả ở Trung ương và các địa phương, góp phần ổn định thị trường, kiềm chế việc tăng giá đột biến của hàng hóa. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ, Thanh tra Bộ đã phối hợp với một số đơn vị triển khai thanh tra tại 05 doanh nghiệp kinh doanh Sữa trẻ em dưới 6 tuổi. Qua thanh tra đã phát hiện thấy trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, các công ty đều có việc điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (không có trường hợp giảm giá); đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 01 công ty kê khai thiếu mặt hàng tăng giá; truy thu đối với 4 trong số 5 công ty số thuế kê khai thiếu phải nộp với số tiền 10,2 tỷ đồng. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp rà soát tiết giảm chi phí để đảm bảo giá bán hạ xuống, đặc biệt là các khoản bất hợp lý về quảng cáo, khuyến mại và tiếp thị với số tiền trên 386 tỷ đồng. Trên cơ sở kết quả thanh tra, Bộ Tài chính đã kiến nghị và được Chính phủ chấp thuận phương án áp trần giá Sữa từ ngày 01/6/2014 nhằm bình ổn thị trường. Kết quả bước đầu đã có tác dụng tích cực, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Sáu tháng đầu năm 2014, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Thanh tra Bộ Tài chính và các Tổng cục) đã triển khai triển khai 22.314 cuộc thanh tra, kiểm tra. Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý về tài chính trên 4.538,5 tỷ đồng, xử phạt vi phạm về hành chính trên 913,1 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều văn bản quản lý nhà nước, góp phần quan trọng vào thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tài chính ngân sách, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật tài chính.
 
Đánh giá chung:

Được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính, nên công tác thanh tra, kiểm tra tài chính 6 tháng đầu năm 2014 đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể như đã nêu trên.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thanh tra tài chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra vẫn còn nặng về liệt kê số liệu, tình hình, chưa chú trọng khái quát, tổng kết được những vấn đề lớn mang tính xuyên suốt. Báo cáo định kỳ của một số đoàn thanh tra còn chung chung, thiếu thông tin chi tiết phục vụ công tác chỉ đạo điều hành đối với đoàn. Một số đơn vị, địa phương báo cáo kết quả thanh tra còn chậm so với thời hạn quy định, nội dung báo cáo còn sơ sài.