Kết quả phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre năm 2023
Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đã tác động tích cực và góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 và 2023. Mặc dù còn không ít khó khăn nhưng tăng trưởng (GRDP) kinh tế của tỉnh năm 2023 đạt 5,16%.

Một số kết quả nổi bật
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nguyễn Trúc Sơn đánh giá cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 cũng như các chính sách của nghị quyết vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cụ thể, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp trong năm 2023 tương đối thuận lợi. Theo số liệu công bố Tổng cục Thống kê, tăng trưởng khu vực I năm 2023 ước đạt 2,47%, lĩnh vực thủy sản vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá ở mức 4,64%. Với nhiều nỗ lực, tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành dừa.
Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2023 có bước phục hồi khá tốt. Các doanh nghiệp, cơ sở tập trung gia tăng sản xuất. Tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng ước đạt 9,25%. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 7,38% so với cùng kỳ.
Trong chương trình, tỉnh Bến Tre được Trung ương hỗ trợ vốn cho 4 dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, y tế và giao thông để thực hiện đầu tư và hoàn thành trong năm 2022 - 2023. Tổng số kế hoạch vốn ngân sách Trung ương phân bổ năm 2023 sau điều chỉnh hơn 1.025 tỷ đồng, ước đến cuối năm giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn.
Đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng được tập trung thực hiện. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 22.720 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ, đạt 94,67% kế hoạch. UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác kiểm tra tình hình giải ngân, thường xuyên đôn đốc tiến độ triển khai các dự án, nhất là tập trung theo dõi sát tiến độ 11 công trình, dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt 89,56% so với kế hoạch.
Thực hiện hiệu quả các chính sách
Việc thực hiện các chính sách về miễn, giảm thuế; an sinh xã hội, lao động, việc làm; đầu tư phát triển… đạt được nhiều kết quả, đóng góp quan trọng vào phục hồi phát triển. Điển hình là chính sách thuế, hiện nay, hầu hết các hàng hóa, dịch vụ đều chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 10%, việc giảm thuế này xuống 8% sẽ có độ bao phủ, tác động rất rộng. Doanh nghiệp giảm tiền vốn chi ra để trả tiền thuế GTGT ở các khâu đầu vào khi mua nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào khác trong một chu kỳ luân chuyển vốn. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguồn tài chính tương đương khoảng 2% (bằng tỷ lệ giảm thuế) trong tổng doanh số mua vào của doanh nghiệp. Số tiền này sẽ được đưa vào tái đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.
Năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh Bến Tre cho vay giải quyết việc làm là 434.156 triệu đồng, với 9.702 lượt người lao động tạo việc làm. Tổng dư nợ đạt 730.452 triệu đồng, tăng 306.405 triệu đồng so với năm 2022. Thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tổng kinh phí tỉnh đã phân bổ hỗ trợ là 23.370 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Kết quả đã giải ngân hỗ trợ 19.448 triệu đồng cho người lao động trên địa bàn huyện Châu Thành.
Thực hiện chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP, Chi nhánh Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã tiếp nhận và giải ngân 37 hồ sơ người sử dụng lao động, tổng số tiền cho vay 53.626,3 triệu đồng để trả lương ngừng việc, lương phục hồi sản xuất cho 5.344 lao động. Trong đó, cho vay trả lương phục hồi sản xuất cho 27 người sử dụng lao động với số tiền hơn 51 tỷ đồng (với gần 5.000 lao động); cho vay trả lương ngừng việc cho 10 người sử dụng lao động, với số tiền 1.790 tỷ đồng, trả lương cho 362 lao động.
Về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trên địa bàn phát triển an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội địa phương, các giải pháp hỗ trợ khách hàng theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được triển khai kịp thời, đầy đủ, lãi suất cho vay bình quân các khoản vay mới được điều chỉnh giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Trong đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng đối với lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN hiện là 4%/năm (giảm 1,5% so với năm 2022).
Theo Nghị quyết số 11/NQ-CP12 của Chính phủ, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã thực hiện giải ngân 555.200 triệu đồng cho vay ưu đãi với 11.775 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất 24 tỷ đồng với 30 lượt khách hàng.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết, giải pháp hướng tới là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở các giải pháp, chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ban hành để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đối với các chính sách hiệu quả thấp thì đề xuất giảm quy mô thực hiện; đồng thời, tiếp tục thực hiện đối với những chương trình được đánh giá có hiệu quả tốt của năm 2023.