Kết quả tích cực trong thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030
Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 4/2022. Sau hơn 1 năm triển khai Chiến lược và các chương trình hành động, nhiều kết quả tích cực đạt được, làm bước đệm vững chắc để Kho bạc Nhà nước hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Với mục tiêu, quan điểm phát triển hệ thống KBNN hiện đại, đóng vai trò là một bộ phận quan trọng trong hệ thống quản lý tài chính công, KBNN đã trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Việc ban hành Chiến lược này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là “kim chỉ nam”, định hướng để KBNN thực hiện các hoạt động cải cách, hiện đại hoá.
Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Chiến lược và các chương trình hành động, KBNN đã đạt được một số kết quả tích cực.
Trước tiên, về cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ, bám sát chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và cập nhật các cơ chế, chính sách mới có liên quan, KBNN tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách: cơ chế quản lý tài chính và biên chế của KBNN; Nghị định sửa đổi, Nghị định quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước; Thông tư thay thế Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước qua KBNN...; trình Bộ Tài chính trình Chính phủ báo cáo Quốc hội về lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.
Bên cạnh đó, KBNN cũng tập trung hoàn thiện, ban hành các quy trình nghiệp vụ (về kiểm soát chi, về thủ tục thu, nộp ngân sách...) để hoàn thiện hành lang pháp lý và tạo thuận lợi cho cán bộ kho bạc trong tác nghiệp và cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện giao dịch. KBNN đã xây dựng và triển khai quy trình liên thông chứng từ chi thường xuyên giữa các chương trình ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và Hệ thống thanh toán điện tử; Tập trung đẩy mạnh triển khai đề án thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; kết nối với hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp để nhận hồ sơ, chứng từ từ đơn vị sử dụng ngân sách đối với chứng từ chi thường xuyên.
Đối với hoạt động công nghệ thông tin, với mục tiêu đến năm 2025 đưa KBNN vận hành dựa trên dữ liệu số và đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Kho bạc số, KBNN đã xác định và xây dựng lộ trình, các bước đi phù hợp để chuyển đổi từ hệ thống TABMIS và các hệ thống công nghệ thông tin hiện tại sang Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS).
Hệ thống VDBAS được xây dựng và triển khai nhằm cung cấp dịch vụ cho tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị dự toán, cơ quan tài chính, KBNN các cấp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ ngân sách… giúp cho việc liên thông các quy trình quản lý ngân sách nhà nước từ khâu lập ngân sách, phân bổ dự toán, thực hiện ngân sách (thu, chi), báo cáo và quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo tài chính nhà nước cũng như các hoạt động nghiệp vụ khác của KBNN theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong công tác thanh tra, kiểm toán nội bộ, chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian qua, KBNN đã xác định rõ nhiệm vụ “Hiện đại hóa công tác thanh tra - kiểm tra và triển khai kiểm toán nội bộ” ngay trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Theo đó, KBNN đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra - kiểm tra, tăng cường thực hiện các hoạt động Thanh tra - Kiểm tra dựa trên ứng dụng chương trình công nghệ thông tin, chuyển dần thực hiện phương thức thanh tra - kiểm tra truyền thống (trực tiếp) sang thực hiện thanh tra - kiểm tra theo phương thức điện tử, rút ngắn tối đa thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại đơn vị.
Đáng chú ý, về tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, để đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ công chức, viên chức KBNN có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, kỹ năng, có năng lực sáng tạo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, KBNN đang xây dựng, hoàn thiện “Đề án đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức hệ thống KBNN để thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030”.
Theo KBNN, mục đích của Đề án nhằm phát triển đội ngũ lãnh đạo KBNN các cấp, đội ngũ công chức nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách tại Trung ương có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa của hệ thống KBNN trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Vượt qua khó khăn để hoàn thành các mục tiêu
Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược, KBNN cũng gặp một số khó khăn như việc phải triển khai một khối lượng công việc rất lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực nghiệp vụ, một số quy trình nghiệp vụ phụ thuộc vào việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán nhà nước…
Hơn nữa, các cơ chế, chính sách còn có những điểm đặc thù; trong khi đó, việc ban hành, sửa đổi một số cơ chế liên quan đến hoạt động của KBNN cần phải có thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện, xin ý kiến các đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, phạm vi hoạt động nghiệp vụ của hệ thống KBNN rộng, liên quan đến các Bộ, ngành, địa phương, trong khi đó mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại các Bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng bộ (hệ thống phần mềm của đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị dự toán chưa tương thích với hệ thống của kho bạc), do đó, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách.
Xác định 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của năm 2025, để khắc phục những khó khăn, hệ thống KBNN cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến các chức năng, nhiệm vụ của KBNN theo đúng lộ trình thực hiện Chiến lược; xây dựng, hoàn thiện theo thẩm quyền các quy trình, nghiệp vụ của hệ thống, lấy công nghệ thông tin là khâu đột phá, cải cách cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ là nền tảng.
Hai là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và điều hành, trọng tâm là xây dựng và vận hành VDBAS để liên thông dữ liệu tất cả các cơ quan nhà nước có liên quan và có thể mở rộng, tăng cường cung cấp dịch vụ trên nền tảng số của KBNN.
Ba là, chú trọng công tác tuyển dụng, tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ lãnh đạo KBNN các cấp, đội ngũ công chức làm công tác nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách có chất lượng cao. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động KBNN có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, kỹ năng, có năng lực sáng tạo, đổi mới; đáp ứng các yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.