Khả năng hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2017
Đó là dự báo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017.
Nhiều kết quả quan trọng trong 9 tháng
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2017 với nhiều thành tựu và nhiều khả năng có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu mà Quốc hội giao trong năm2017.
Theo đó, mô hình tăng trưởng đã chuyển đổi mạnh mẽ, đi vào chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, đến nay, đã cắt giảm trên 5.000 thủ tục hành chính.
Đặc biệt, tăng trưởng GDP có bước đột phá. Nếu quý I đạt 5,15%, quý II tăng 6,28%, thì quý III/2017 có sự đột phá, tăng 7,46%. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá tăng 5 bậc; Chỉ số nhà quản trị mua hàng do Nikkei vừa công bố thì Việt Nam đạt trên 53 điểm, cao nhất ASEAN.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, 9 tháng chỉ tăng 1,83% (chỉ số CPI bình quân 9 tháng tăng 3,79% so với cùng kỳ năm 2016). Lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,45%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Thu ngân sách tăng gần 14%. Tín dụng tăng khoảng 12%. Thị trường chứng khoán đạt 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Nhập siêu giảm, chỉ còn 442 triệu USD.
Tổng vốn FDI đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần trên 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%; vốn thực hiện đạt 12,5 tỷ USD. Gần 94.000 doanh nghiệp đăng ký mới...
Không lơ là, chủ quan
Thủ tướng cho rằng, những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-hội tháng 9 và 9 tháng năm 2017 là tích cực, song không phải vì thế mà chủ quan, lơ là, thỏa mãn.
“Nếu chúng ta cứ say sưa với kết quả đạt được trong 9 tháng mà quên nhiệm vụ nặng nề còn ở quý IV thì vẫn có khả năng không hoàn thành kế hoạch, đặc biệt là tăng trưởng GDP. Để cả năm GDP tăng 6,7% thì quý IV phải tăng 7,4-7,5%, đây là con số không phải dễ dàng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tài chính, tiền tệ chủ động, linh hoạt, qua đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Trong đó, thực hiện các biện pháp nhằm tiếp tục giảm lãi suất cho vay; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn vay thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả các biện pháp chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế. Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách, triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách Nhà nước. Chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm...
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, trong đó tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; thực hiện chuyển mạnh mẽ từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.