Để chính sách tài khóa hỗ trợ hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế
Chính sách tài khóa trong những năm qua được nhận định là “điểm tựa” tốt cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề cơ cấu lại ngân sách nhà nước cũng đã trở thành yêu cầu cấp bách để đảm bảo bền vững tài khóa trong dài hạn, củng cố niềm tin của thị trường và hỗ trợ hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế.
Một số thách thức, rủi ro đối với nền tài chính công
Trong những năm qua, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước những biến động về kinh tế và địa chính trị trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu tích cực trong phát triển kinh tế: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đời sống nhân dân được cải thiện.
Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2017 vừa diễn ra vào ngày 21/9/2017, các phân tích của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy, nền tài chính công Việt Nam đã được đổi mới theo hướng ngày càng minh bạch, hiệu quả, bền vững hơn, có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hệ thống thể chế và khuôn khổ pháp lý về quản lý tài chính công đã ngày càng được đổi mới đồng bộ. Hệ thống chính sách thu ngân sách được xây dựng theo đúng định hướng cải cách hệ thống thuế, phí, đảm bảo nguyên tắc công bằng, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ thực hiện; giảm nghĩa vụ thuế, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích tích tụ vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh; mở rộng diện thu; cắt giảm thuế quan, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế…
Về chi ngân sách nhà nước (NSNN), đã hoàn thiện khung pháp lý quản lý, phân bổ, sử dụng, kiểm soát chi ngân sách theo hướng tăng cường phân cấp, minh bạch; thực hiện tự chủ đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập; tăng cường quản lý tài sản công…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thời gian qua, nền tài chính công cũng đối mặt với một số thách thức, rủi ro nhất định. Số liệu do Bộ Tài chính cung cấp cho thấy, quy mô thu ngân sách so với GDP giảm nhanh, cơ cấu thu chưa hợp lý, giai đoạn 2006 - 2010 thu ngân sách là 26,3,% GDP (trong đó thu từ thuế, phí là 22,6% GDP) và giai đoạn 2011 - 2015 thu ngân sách là 23,6% GDP (trong đó thu từ thuế, phí là 20,8% GDP).
Trong khi đó, nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng, vượt khả năng cân đối nguồn lực, dẫn đến cân đối NSNN khó khăn, bội chi cao; tích lũy ngân sách cho đầu tư phát triển thấp. Cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, tỷ trọng chi thường xuyên tăng cao, chi đầu tư phát triển giảm.
Nợ công và nghĩa vụ trả nợ lại tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ; nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước ngân sách còn lớn; việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập; thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ. Việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả...
Để chính sách tài khóa hỗ trợ hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế
Theo ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, cơ cấu lại NSNN đã trở thành một yêu cầu cấp bách để đảm bảo bền vững tài khóa trong dài hạn, củng cố niềm tin của thị trường, mở rộng không gian tài khóa và hỗ trợ hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh trên, để xử lý có hiệu quả các rủi ro đang đặt ra, hướng tới việc xây dựng một nền tài chính công an toàn, bền vững, đòi hỏi cần phải có một chiến lược tổng thể và toàn diện về củng cố tài khóa với một tầm nhìn trung và dài hạn. "Chiến lược này phải dựa trên 4 trụ cột chủ đạo gồm: Cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả chi tiêu công; Tiếp tục cải cách hệ thống thuế; Tăng cường hiệu quả quản lý nợ công và giám sát, quản lý hiệu quả nghĩa vụ nợ dự phòng và các rủi ro tài khóa", ông Trương Bá Tuấn khẳng định.
Với nhận định giai đoạn vừa qua, thu NSNN từ thuế chủ yếu dựa vào thuế thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng, dư địa tăng mức độ động viên từ những sắc thuế rất hạn chế, tiệm cận ngưỡng cản trở đến sự phục hồi kinh tế, TSKH. Nguyễn Thành Long cho rằng, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm cải cách thuế của các nước trên thế giới. Xu hướng quốc tế là từ sau khủng hoảng tài chính và nợ công năm 2008, các nước giảm thuế trực thu (dựa trên thu nhập), tăng thuế gián thu (dựa trên tiêu dùng).
Cùng chung quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính cho rằng, để có thể thực hiện được Chiến lược phát triển bền vững với các chỉ tiêu cụ thể đã đề ra đến năm 2020, phải có nguồn lực tài chính bền vững. Nguồn lực tài chính chỉ có thể bảo đảm được khi tiến hành đồng thời 2 việc là cắt giảm chi tiêu và giữ được tỷ lệ động viên thuế, phí và lệ phí trên GDP ở mức hợp lý.
"Bài toán cân bằng tổng thể phải được đặt ra khi nghiên cứu đề xuất sửa đổi, điều chỉnh đồng thời các loại thuế", ông Nguyễn Văn Phụng khẳng định.
Với một số sắc thuế cụ thể, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo các hiệp định mà Việt Nam tham gia ký kết cần phải được thực hiện đúng lộ trình cam kết, do đó không chỉ giảm nguồn thu từ thuế này mà nếu giữ nguyên thuế suất thuế giá trị tăng thì tổng số thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu cũng bị giảm. Đây là nguyên nhân chính phải điều chỉnh tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng và việc nay lẽ ra cần thực hiện từ vài năm trước.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, việc rà soát, bổ sung vào diện chịu thuế các mặc hàng đồ uống không có lợi cho sức khỏe người dân và tăng thuế đối với thuốc lá sẽ thực hiện đồng thời 2 mục tiêu là tăng thu cho NSNN và định hướng cho tiêu dùng...