Khả quan xuất, nhập khẩu tháng đầu năm

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo Bộ Công thương, tăng trưởng xuất, nhập khẩu tháng đầu năm được ghi nhận có những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu có dấu hiệu giảm cả về lượng cũng như giá trị, lượng đường tồn kho tăng cao, trong khi lượng đường nhập khẩu lớn... cho thấy những khó khăn cần giải quyết ngay trong tháng 1 này.

Tăng trưởng xuất, nhập khẩu tháng đầu năm 2015 được ghi nhận có những tín hiệu đáng mừng. Nguồn: ITN
Tăng trưởng xuất, nhập khẩu tháng đầu năm 2015 được ghi nhận có những tín hiệu đáng mừng. Nguồn: ITN
Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 9,7% so với tháng 1.2014, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 8,2 tỷ USD tăng 10,9% so với tháng 1.2014. Ước nhập siêu tháng đầu năm là 0,5 tỷ USD, bằng 3,9% kim ngạch xuất khẩu, trong đó: khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 1,19 tỷ USD; khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 0,69 tỷ USD.

Đây là thành công đáng ghi nhận của ngành công thương trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tháng đầu tiên của năm 2015. Giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản tháng 1.2015 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, phần nào bù trừ mức giảm hoặc mức tăng không đáng kể trong sản lượng xuất khẩu của các mặt hàng này.

Tuy nhiên, trước thực tế kim ngạch xuất khẩu của một số loại hàng hóa giảm, trong đó, nhóm nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 0,4 tỷ USD, giảm 39,1%; đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản tháng 1 chiếm tỷ trọng 11,74% trong tổng kim ngạch xuất khẩu - giảm 0,9%  (ước đạt 1,51 tỷ USD), trong đó thủy sản giảm 9,7%, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải cho rằng, mặt hàng thủy sản của nước ta phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài, yếu tố thiên nhiên, nguồn đầu ra cũng như giá cả từ bên ngoài.

Trong những năm vừa qua thủy sản là ngành có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất tốt. Theo số liệu thống kê, mặt hàng xuất khẩu có giảm nhưng nguyên nhân do tháng Giêng là tháng nghỉ Tết của doanh nghiệp ở một số thị trường nhập khẩu khu vực châu âu, Mỹ, Nhật Bản, nên hiện tượng sụt giảm là bình thường.

Liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu ô tô, trước những quan điểm cho rằng đề xuất sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng tăng/giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của Bộ Công thương và đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng linh kiện đặc biệt lên tới 200% là chưa phù hợp, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương Nguyễn Ngọc Thành cho biết, Bộ Công thương kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu các dòng xe, chia theo dung tích xi lanh, trừ đề xuất tăng thuế dòng xe có dung tích máy 3,0L trởã lên vì đây là dòng xe xa xỉ, cần hạn chế nhập khẩu. Theo Bộ Công thương, đề xuất đối với dòng xe có dung tích 3,0L trở lên thì tăng mức thuế lên khoảng 70%, đối với dòng xe dưới 2,0L thì cần được hỗ trợ về mặt thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, năm 2015, Việt Nam chịu tác động mạnh, mang tính hai mặt của các cam kết thương mại đã ký kết với nhiều nước nhưng mặt lợi thế là nhiều hơn. Nhìn chung kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt gần 10,15 tỷ USD, tăng 13,7% và chiếm tỷ trọng khoảng 78,7% kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó: thức ăn gia súc tăng 46,3%; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày tăng 43,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 62,2%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 27,7%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 69%... Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng xuất khẩu giảm, như: bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, giấy và sản phẩm từ giấy, clinker, xi măng, một số sản phẩm hóa chất khác...

Cũng theo báo cáo của Bộ Công thương, lượng hàng hóa xuất khẩu vào một số thị trường tăng đáng kể, như xuất khẩu vào thị trường châu Á tăng 7,4%, chiếm tỷ trọng 49,19% tổng kim ngạch nhập khẩu; châu Âu tăng 8,6% và chiếm tỷ trọng gần 20,15%; châu Mỹ tăng 12,8%; châu Phi tăng 5,5%; thị trường châu Đại Dương tăng 7,2%...

Theo kế hoạch, để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 2 và các tháng tiếp theo, Bộ Công thương tập trung vào các mặt hàng có lợi thế và các thị trường truyền thống, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường có sự gia tăng cao trong thời gian gần đây. Cũng như chú trọng tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu mới; tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chính sách quản lý các mặt hàng nhập khẩu phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi thu hút đầu tư; kiểm soát, giám sát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, bảo đảm đúng quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.