Khắc phục cho được tình trạng cơ học là chủ yếu trong sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập
Lưu ý tình trạng trễ, chậm trong thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật của Nhà nước về đơn vị sự nghiệp công lập, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị nghiên cứu sâu hơn về 3 điểm nghẽn, trong đó phải giải quyết cho được tính cơ học là chủ yếu trong sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tính bền vững, đồng bộ trong thực hiện cơ chế tự chủ.
Tiếp tục Phiên họp thứ 36, sáng nay, 19/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”.
Giai đoạn 2015 - 2021 vượt mục tiêu đề ra
Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong đó, nổi bật là công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện quyết liệt. Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, khẩn trương ban hành nhiều văn bản, khắc phục một bước tình trạng nợ đọng. Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đạt kết quả tích cực, nhất là giai đoạn 2015 - 2021 vượt mục tiêu đề ra (giảm 13,33%/chỉ tiêu 10%). Các đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp, tổ chức lại đã phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Giai đoạn 2015 - 2021, tổng biên chế sự nghiệp giảm vượt mục tiêu đề ra (giảm 11,67%/chỉ tiêu 10%). Việc đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã giúp các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc thể chế hoá chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập còn chưa đầy đủ, kịp thời. Sắp xếp, tổ chức chủ yếu còn mang tính cơ học; tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đang chậm lại trong giai đoạn 2021 - 2023.
Việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2023 ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp. Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp. Các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai chậm, kết quả không cao...
Tập trung rà soát, sửa đổi, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật
Để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo chủ trương của Đảng, Đoàn giám sát kiến nghị, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương; làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao trong việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đồng bộ chủ trương của Đảng, khắc phục các bất cập, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong quý I.2025, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh việc thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, phấn đấu bảo đảm mục tiêu đến năm 2025 thực hiện chuyển đổi 100% các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần; sớm hoàn thành lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng.
Có danh mục cụ thể 88 nội dung chưa ban hành thuộc bộ, ngành nào
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí và đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát; cho rằng, đây là chuyên đề giám sát khó, có phạm vi rất rộng nhưng trong thời gian không dài, Đoàn giám sát đã chủ động triển khai bài bản, báo cáo rất đầy đủ, chi tiết, có các phụ lục kèm theo.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đây là vấn đề rất phức tạp vì vừa giảm về tổ chức bộ máy vừa giảm về số lượng biên chế. Báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu 7 nhóm kết quả đạt được và 7 nhóm hạn chế tương ứng, vấn đề trọng tâm là phải thấy được hạn chế, tìm ra nguyên nhân để khắc phục trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý tình trạng "trễ, chậm là phổ biến, chậm trong việc thể chế hoá chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật, còn 88 nội dung theo yêu cầu trong các chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 19 của Trung ương chưa được ban hành; tính thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí là hiệu lực đối lập lẫn nhau". Qua đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong Nghị quyết về chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có danh mục nêu rõ 88 nội dung này nằm ở bộ, ngành, đơn vị nào để khắc phục.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, việc tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập ở nhiều trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh, tổ chức khoa học kỹ thuật, xuất bản, công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông... đang chậm lại trong giai đoạn 2021 - 2023. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các Bộ, ngành còn nhiều, việc chuyển giao về địa phương quản lý còn chậm. Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập chậm đổi mới. Chỉ tiêu, mục tiêu đạt tỷ lệ thấp, rất thấp (giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước; chuyển đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện thành công ty cổ phần; đơn vị sự nghiệp công lập đạt tự chủ từ mức 2 trở lên... thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra). Năng lực quản trị nội bộ thiếu kinh nghiệm.
"Các giải pháp đã thực sự đủ mạnh, đã bao trùm, giải quyết đến nơi, đến chốn và khắc phục dứt điểm các điểm hạn chế, tồn tại báo cáo giám sát đã chỉ ra hay chưa?" - Đặt câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu sâu hơn về 3 điểm nghẽn: một là, giải quyết cho được tính cơ học là chủ yếu trong sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; hai là, tính bền vững, đồng bộ trong thực hiện cơ chế tự chủ; ba là, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, cơ chế, chính sách để các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập bình đẳng với các doanh nghiệp, đơn vị thuộc Nhà nước trong khả năng tiếp cận các nguồn lực trên thị trường.
Đồng tình với Báo cáo kết quả giám sát, song, về tên gọi Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị nghiên cứu thêm để điều chỉnh cho phù hợp vì việc ban hành Nghị quyết là hệ quả sau khi tiến hành giám sát chuyên đề này. Về kết quả đạt được, bên cạnh công tác thông tin, tuyên truyền cần bổ sung đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, việc quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời rà soát các số liệu để bảo đảm sự thống nhất.
Về tồn tại, hạn chế, dự thảo Nghị quyết nêu còn 88 nội dung theo yêu cầu trong chương trình hành động của Chính phủ chưa được ban hành. Tổng Thư ký Quốc hội đặt vấn đề, 88 nội dung này là trên tổng số bao nhiêu nội dung, phải làm rõ tỷ lệ này để đánh giá cụ thể hơn.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận Đoàn giám sát đã bám sát kế hoạch, triển khai các hoạt động, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức công việc bài bản, khoa học. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề; đồng thời, đề nghị, tiếp tục tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp để hoàn thiện báo cáo và dự thảo Nghị quyết trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Cũng tại phiên họp, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc với các nội dung cơ bản trong dự thảo Nghị quyết.