Khắc phục tồn tại, sử dụng hiệu quả nguồn tài chính công đoàn
Chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong công tác thu, chi tài chính công đoàn (TCCĐ) năm 2021 của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam chấn chỉnh việc lập dự toán; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thu; xử lý các tồn tại kéo dài, tránh gây thất thoát, lãng phí nguồn tích lũy TCCĐ.
Lập dự toán thấp, thu chưa đầy đủ
Theo đánh giá của KTNN, năm 2021, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành đã lập, giao dự toán thu, chi TCCĐ tuân thủ theo hướng dẫn. Tuy nhiên, việc lập dự toán thu thấp hơn so với dự toán giao năm 2020 và thực hiện năm 2019, giao dự toán điều chỉnh còn chậm và một số đơn vị lập dự toán chưa đầy đủ thuyết minh kèm theo.
Bên cạnh đó, việc giao dự toán chi hành chính chưa phù hợp hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Trong đó, một số đơn vị giao thấp hơn, một số đơn vị giao bằng hoặc cao hơn định mức 54 triệu đồng/biên chế; giao không căn cứ vào số biên chế của cấp có thẩm quyền giao mà dựa vào số biên chế thực có mặt do các đơn vị lập dự toán, dẫn đến chưa thống nhất giữa các đơn vị.
Theo kết quả kiểm toán, tổng thu TCCĐ là hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó thu kinh phí và đoàn phí khối hành chính sự nghiệp chiếm 28,9% tổng kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn; khối đơn vị sản xuất kinh doanh chiếm 69,1%, còn lại thu từ đơn vị chưa có tổ chức công đoàn cơ sở chiếm 2%. Tuy nhiên, KTNN chỉ ra, một số đơn vị thu TCCĐ chưa đảm bảo theo quy định. Các đơn vị chỉ phản ánh số thực thu, một số đơn vị chưa kiểm tra thực tế quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội, quỹ lương thực lĩnh để có căn cứ xác định số phải nộp. Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa phản ánh đầy đủ nguồn thu, thậm chí một số công đoàn cơ sở tại LĐLĐ tỉnh và công đoàn ngành không nộp đoàn phí công đoàn hoặc nộp theo mức ấn định trên cơ sở lương tối thiểu vùng từ 10.000-75.000 đồng. Tổ chức công đoàn chưa chủ động phối hợp với các cơ quan để thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về đóng kinh phí công đoàn.
Qua kiểm toán cũng cho thấy, một số công đoàn cấp trên và công đoàn cơ sở chưa đủ điều kiện được phân cấp thu kinh phí công đoàn theo quy định nhưng đã trực tiếp thu kinh phí công đoàn với số tiền 820,5 tỷ đồng. Trong khi đó, một số LĐLĐ tỉnh không phân cấp thu kinh phí công đoàn cho LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố đối với khối hành chính sự nghiệp.
Nhiều khoản đầu tư, cho vay không hiệu quả, khó thu hồi
Về công tác chi TCCĐ, theo kết quả kiểm toán, tổng chi TCCĐ là 18.054 tỷ đồng. Công tác chi TCCĐ còn nhiều sai sót như: Một số khoản chi không đúng tính chất nguồn kinh phí; chưa có trong quy chế chi tiêu nội bộ, vượt dự toán được giao, vượt định mức, tỷ lệ quy định hoặc nội dung chi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chứng từ chi chưa đầy đủ…
Liên quan đến việc quản lý, sử dụng nguồn tích lũy TCCĐ, KTNN xác nhận số dư đến thời điểm ngày 31/12/2021 là gần 39.000 tỷ đồng. Qua kiểm toán cho thấy, hầu hết kết dư được các đơn vị gửi tại ngân hàng dưới hình thức hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn, tạm ứng đầu tư xây dựng cơ bản và một số đơn vị sử dụng để đầu tư, góp vốn, liên doanh liên kết hoặc cho vay từ nhiều năm trở về trước. Trong đó, tại Tổng LĐLĐ Việt Nam, tổng dư nợ tạm ứng đến ngày 31/12/2021 là hơn 899,5 tỷ đồng để thực hiện các dự án thiết chế công đoàn (chiếm 8,5% dư nợ). Thực hiện kiến nghị của KTNN, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ song đến nay tỷ lệ thu hồi thấp (năm 2021 thu nợ chỉ đạt 12,6% dư nợ cuối năm), trong đó có nhiều khoản nợ khó có khả năng thu hồi 202,4 tỷ đồng; tạm các dự án đầu tư xây dựng cho các đơn vị trực thuộc gần 504,5 tỷ đồng cũng chưa rõ thời hạn trả nợ…
Tại các đơn vị trực thuộc, KTNN chỉ ra, một số công đoàn cơ sở sử dụng nguồn tích lũy TCCĐ chi cho hoạt động thường xuyên không có phê duyệt của công đoàn cấp trên. Một số đơn vị chưa giải quyết dứt điểm các khoản đầu tư, cho vay từ nhiều năm trở về trước không hiệu quả, khó có khả năng thu hồi vốn. Điển hình như: LĐLĐ TP. Hải Phòng cho Công ty TNHH MTV Du lịch và Dịch vụ công đoàn vay hơn 2,7 tỷ đồng từ năm 2017 đến nay chưa thu hồi với số tiền lãi lũy kế 756,6 triệu đồng và hiện Công ty đang kinh doanh thua lỗ nhiều năm; LĐLĐ TP. Hà Nội cho Nhà nghỉ Công đoàn Suối Hai vay 2 tỷ đồng từ năm 2011; LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh cho Công ty Khách sạn du lịch Công đoàn Hạ Long vay 11 tỷ đồng nhưng Công ty này lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2021 là 8,5 tỷ đồng; LĐLĐ tỉnh Nam Định mua cổ phiếu 2 doanh nghiệp hơn 3,6 tỷ đồng nhưng đến nay 2 công ty hoạt động lỗ, cho vay hoạt động từ năm 2011-2014 là gần 1,5 tỷ đồng chưa thu hồi…
Ngày 18/10/2016, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 9c/NQ-BCH về điều chỉnh giảm tỷ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp công đoàn (Nghị quyết 9c/NQ-BCH) để tạo nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn phục vụ đoàn viên, công nhân, lao động các khu công nghiệp khu chế xuất. Ngày 10/8/2020, Tổng LĐLĐ Việt Nam có công văn gửi LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty trực thuộc về việc dừng thực hiện Nghị quyết 9c/NQ-BCH. Tổng số tiền đã thu được theo Nghị quyết 9c/NQ-BCH đến ngày 31/12/2021 là 1.929 tỷ đồng (bằng 68% số phải thu), số đã giải ngân là 214,1 tỷ đồng. Như vậy, số đã thu chưa sử dụng là hơn 1.715 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền lãi gửi ngân hàng) cho thấy nguồn vốn thực hiện Nghị quyết 9c/NQ-BCH chưa phát huy hiệu quả kinh doanh theo mục đích huy động của tổ chức công đoàn các cấp./.
Đến thời điểm ngày 31/12/2021, Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa phản ánh số thu khác đối với khoản nộp nghĩa vụ của đơn vị sự nghiệp trực thuộc LĐLĐ tỉnh, thành phố những năm trước năm 2020 và lợi nhuận của các doanh nghiệp trực thuộc là 33,4 tỷ đồng. Trong đó, năm 2020, KTNN đã kiến nghị tăng thu khác năm 2019 số tiền 11,4 tỷ đồng nhưng Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa thực hiện. KTNN kiến nghị tăng thu khác năm 2021 là 22 tỷ đồng.