Khách hàng “chịu thiệt” khi vay vốn tại ngân hàng này để trả nợ trước hạn ngân hàng khác
Việc vay để trả nợ khoản vay ở ngân hàng khác có thể khiến khách hàng phải chịu thêm phí phạt, bảo hiểm và vẫn phải đảm bảo các điều kiện vay vốn theo quy định của ngân hàng.
Ngay sau khi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2023, một số ngân hàng lớn đã triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất ưu đãi từ 6% đến 8% (tùy thời gian ưu đãi) và chuyển khoản vay với thời hạn còn lại ban đầu cùng với tài sản đảm bảo về ngân hàng mình.
Theo nội dung Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, từ ngày 1/9/2023, các ngân hàng có thể cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống thay vì chỉ được vay phục vụ sản xuất kinh doanh.
Trước đó, việc chuyển nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác từng được quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN nhưng chỉ được áp dụng đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, còn không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng khác áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống được đánh giá là thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho khách hàng được chọn lựa ngân hàng vay vốn và cũng tăng tính cạnh tranh giữa các ngân hàng.
Tuy nhiên, theo ông Cao Việt Hùng - chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB, chính sách mới sẽ làm dấy lên một số lo ngại về áp lực cạnh tranh lãi suất cho vay trong thời gian tới, đồng thời có nguy cơ kéo giảm biên thu nhập lãi thuần (NIM) giữa các ngân hàng thương mại.
Trên thực tế, việc cạnh tranh về lãi suất cho vay giữa các ngân hàng từ trước đến nay luôn luôn diễn ra. Tuy nhiên, đối với khách hàng, quyết định lựa chọn ngân hàng để vay vốn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài lãi suất như khả năng được chấp nhận hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, định giá tài sản bảo đảm cũng như hạn mức tín dụng được cấp mỗi ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc chuyển khoản vay từ ngân hàng này sang ngân hàng khác sẽ khiến khách hàng chịu thiệt nhiều hơn. Chuyên gia của ACBS cho biết, phần lớn các khoản cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng cá nhân đều yêu cầu tài sản bảo đảm. Vì vậy, khách hàng phải tất toán trước hạn khoản vay cũ mới có thể rút tài sản bảo đảm tại ngân hàng cũ, từ đó sử dụng làm tài sản bảo đảm để đi vay tại ngân hàng mới.
Khi tất toán khoản vay trước hạn trong vòng 1-5 năm đầu, thông thường các ngân hàng sẽ áp dụng phí phạt từ 1% đến 3% đối với khách hàng. Khi đó, khách hàng sẽ phải chịu thêm phí chuyển đổi nếu muốn vay ở ngân hàng khác để trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ. Hơn nữa, khoản vay mới thông thường sẽ phải theo hợp đồng bảo hiểm mới và góp phần tăng thêm chi phí đối với khách hàng.
Trong khi đó, khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng là rất khác nhau. Việc yêu cầu chứng minh thu nhập, năng lực tài chính, định giá tài sản bảo đảm và hạn mức tín dụng trên giá trị tài sản bảo đảm cũng khác nhau giữa các ngân hàng. Do đó, khách hàng vẫn cần phải thỏa mãn các yêu cầu trên khi vay vốn tại ngân hàng mới.