Khai mạc phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5

PV

Chiều ngày 17/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.

Cùng dự Diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Phiên toàn thể, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam còn chịu nhiều tác động bất lợi từ hậu quả của đại dịch COVID-19; xung đột quân sự tiếp tục diễn biến phức tạp; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia; tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn, nhiều nền kinh tế suy giảm tăng trưởng...

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam năm 2022 đã cho thấy sự phục hồi ấn tượng. Việt Nam tiếp tục khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khá tốt trước ảnh hưởng từ bên ngoài; nền kinh tế đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện; các cân đối lớn luôn được đảm bảo, nền tảng vĩ mô ổn định,

Cụ thể, kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 11 tháng tăng 8,6%, tiêu dùng trong nước tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng tới 17,5%...

Khai mạc phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5  - Ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.

Những kết quả này có được là nhờ những chủ trương lãnh đạo đúng đắn và xuyên suốt của Đảng về ưu tiên củng cố các nền tảng vĩ mô trong quá trình phát triển, chủ động tích cực hội nhập đa dạng hóa thị trường, đa phương hóa hợp tác, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; sự đồng hành của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí... Tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, bước sang năm 2023 Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với khó khăn thách thức lớn. Theo đó, sự suy yếu nhanh chóng của tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp lên các đơn hàng sản xuất trong nước; chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lần đầu tiên chỉ đạt 47,4 điểm, giảm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm sau 13 tháng liên tiếp ở mức cao... Bên cạnh đó, tỷ giá và lãi suất trong mấy tháng gần đây có những bước tăng đột biến phản ánh mức độ căng thẳng thanh khoản trên thị trường tài chính ngân hàng...

Đối mặt với những khó khăn hiện hữu, Việt Nam cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế để hạn chế tối đa các rủi ro và bất ổn cho nền kinh tế.

Tại Diễn đàn, các nội dung trong chương trình được cân nhắc xây dựng, tập trung vào các vấn đề cốt lõi, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chiến lược, dài hạn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kỳ vọng, qua Diễn đàn kinh tế lần này, các sáng kiến, giải pháp, đề xuất từ các nhà lãnh đạo, các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ góp phần chỉ ra được Việt Nam cần phải làm gì để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế để hạn chế tối đa các rủi ro và bất ổn cho nền kinh tế.

Qua đó, nhận diện đúng các cơ hội, những khó khăn, thách thức và đề xuất các chủ trương, chính sách thích ứng phù hợp là điều kiện cần để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội XIII cũng như các Nghị quyết của Đảng đã đề ra.

 

Diễn ra trong chiều ngày 17/12, Phiên toàn thể gồm 5 báo cáo chính: Tổng quan kinh tế Việt Nam 2022 và định hướng điều hành 2023; Triển vọng kinh tế thế giới 2023 và các gợi ý chính sách cho Việt Nam; Những vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam 2023 qua đánh giá phản ứng chính sách vĩ mô của các nước và dự báo viễn cảnh kinh tế châu Á 2023; Ổn định tài chính, lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản Việt Nam tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế 2023; Tăng tốc đầu tư công và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp để tạo bứt phá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023.