Lành mạnh hóa thị trường tài chính, đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững

Việt Hoàng

Sáng ngày 17/12/2022, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo chuyên đề "Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững".

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng đồng chủ trì hội thảo chuyên đề 2.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng đồng chủ trì hội thảo chuyên đề 2.

Nền kinh tế Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ

Ngày 17/12/2022, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức" đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Trong chương trình làm việc sáng ngày 17/12, Hội thảo chuyên đề 2 với Chủ đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”, do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng đồng chủ trì đã thu hút được nhiều tham luận của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài  nước.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai các giải pháp, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng để tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, Bộ Tài chính đã tập trung phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển.

Theo đó, thị trường vốn và tài chính ngày càng hoàn thiện về cấu trúc và quy mô, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV phát biểu tham luận tại Hội thảo.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, sau hơn hai năm chịu tác động của dịch bệnh,  với các quyết sách kịp thời của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của doanh nghiệp và người dân, nền kinh tế Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực; Dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Qua đó, từ tháng 3/2022 đến nay mọi hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường mới, sản xuất công nghiệp (IIP) dự báo cả năm tăng khoảng 10% so với năm 2021. Đăc biệt, thu chi ngân sách đạt kết quả tích cực nhờ kinh tế phục hồi; trong đó ước thu ngân sách cả năm 2022 vượt 14% kế hoạch đề ra và tăng mạnh 20% so với cùng kỳ năm 2021, giúp ngân sách Nhà nước thặng dư.

Bên cạnh đó, hoạt động doanh nghiệp phục hồi mạnh, nhờ các hoạt động kinh tế - xã hội được mở rộng dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi lãi suất, tỷ giá tăng, khả năng tiếp cận vốn khó khăn hơn và nhu cầu bên ngoài suy giảm.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực đánh giá lãi suất và tỷ giá tăng mạnh nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát. Dự báo tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 8-9% so với đầu năm (trong bối cảnh đồng USD đã tăng giá khoảng 12% so với đầu năm). Ước tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt khoảng 8%; lạm phát được kiểm soát tốt, với CPI bình quân dự báo tăng khoảng 3,3%.  

Giải pháp nhằm ổn định nền kinh tế

Tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm ổn định nền kinh tế. Trong đó, kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tiếp tục đẩy nhanh các cấu phần trong quy mô của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công. 

TS. Cấn Văn Lực đề xuất hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả cho thị trường tài chính, quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính; tăng cường củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tăng cường giáo dục tài chính. 

Đồng thời, cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi các Luật liên quan đến lĩnh vực tài chính như Luật Chứng khoán, luật các tổ chức tín dụng, luật doanh nghiệp và đấu giá, đấu thầu...

Đối với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị đẩy nhanh tiến độ ban hành, tháo gỡ vướng mắc văn bản pháp lý hỗ trợ chuyển đổi số, Fintech và giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi. 

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tài chính và thị trường tài chính (theo các đề án đã ban hành); lưu ý đảm bảo thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng, an toàn của các công ty chứng khoán, hạn chế tối đa tác động lan truyền, sửa các quy định về trái phiếu doanh nghiệp.

Nhận định thị trường trái phiếu, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, vấn đề thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và rủi ro liên thông giữa thị trường này với thị trường tiền tệ, thị trường tài sản sẽ là rủi ro mang tính trọng yếu trong năm 2023 - 2024. Chính phủ cần chỉ đạo có phương án, giải pháp cụ thể, khả thi giải quyết rủi ro trái phiếu doanh nghiệp này.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần sớm phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới như hợp đồng tương lai trên chỉ số cố phiếu khác, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn,... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, khắc phục hạn chế của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 hiện tại, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước...

 

Chuyên đề 2 với Chủ đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững” tập trung thảo luận về các giải pháp lành mạnh hóa thị trường tài chính Việt Nam để phát triển kinh tế bền vững - thực tiễn năm 2022 và những vấn đề đặt ra năm 2023;

Bên cạnh đó, tiếp tục bàn thảo và đóng góp những ý kiến nhằm phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam: những bất cập, rủi ro, thách thức lớn và các khuyến nghị chính sách;

Các chuyên gia cũng đề xuất nhiều giải pháp tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với yêu cầu bảo đảm ổn định tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô; lành mạnh hóa thị trường bất động sản thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững năm 2023.