Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5:

“Hóa giải” thách thức, tạo bứt phá cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023

Nguyễn Trung

Với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 khai mạc vào sáng 17/12/2022 tại Hà Nội.

Quang cảnh hội thảo chuyên đề 2 tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2023, sáng 17/12.
Quang cảnh hội thảo chuyên đề 2 tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2023, sáng 17/12.

Diễn đàn Kinh tế lần thứ 5 sẽ thảo luận chuyên sâu về đảm bảo các cân đối lớn của Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị và lựa chọn chính sách cho phù hợp trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Nhận diện những thách thức tác động đến tăng trưởng

Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năm 2022, Việt Nam đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP dự kiến đạt từ 8 - 8,2%. Tuy nhiên, nước ta đang đối mặt với năm 2023 với rất nhiều khó khăn, thách thức khi bối cảnh khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và rất khó lường.

 “2023 là năm bản lề quan trọng để thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, nhận diện, phân tích những tồn tại, hạn chế trong năm 2022 và đưa ra các kịch bản, giải pháp hướng tới mục tiêu có ý nghĩa quan trọng” - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chia sẻ trước thềm Diễn đàn Kinh tế Việt Nam vào ngày 17/12.

Những khó khăn được nhận diện là sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế thế giới. Dấu hiệu suy thoái kinh tế đã xuất hiện ở nhiều nền kinh tế lớn của thế giới. Trong khi đó, lạm phát đang tăng nhanh cũng đang gây ra rất nhiều hệ lụy và tác động tới kinh tế và thương mại quốc tế.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Việt Nam cũng đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề nội tại chưa được giải quyết. Đó là những bất ổn của thị trường bất động sản, thị trường vốn và khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng; khả năng chống chịu trước những cú sốc; năng lực tự chủ của nền kinh tế…

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có biến động nhanh, phức tạp và vượt khỏi khả năng dự báo, khu vực doanh nghiệp tiếp tục chịu nhiều khó khăn, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương; Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam thường niên và đột xuất theo chuyên đề.

Nội dung, chủ đề của các Diễn đàn đã nhận được sự hưởng ứng, quan tâm và đánh giá cao của các cơ quan hoạch định chủ trương, chính sách, cơ quan quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, địa phương, cũng như của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”, Diễn đàn Kinh tế lần thứ 5 sẽ thảo luận chuyên sâu về đảm bảo các cân đối lớn của Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị và lựa chọn chính sách cho phù hợp trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Tìm giải pháp tạo “bứt phá” cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2023 sẽ tập trung đánh giá chuyên sâu về sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch; những tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và cách thức Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực trong bối cảnh mới và lộ trình tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Cùng với đó, giá năng lượng, nguyên vật liệu gia tăng; chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt ở các nền kinh tế sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, có thể làm chậm lại quá trình xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh…

Trong khuôn khổ Diễn đàn sáng 17/12 đã diễn ra 4 hội thảo chuyên đề do lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đồng chủ trì. Cụ thể:

Hội thảo Chuyên đề 1 với chủ đề “Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới” tập trung thảo luận về kiến tạo không gian phát triển kinh tế mới thông qua đẩy nhanh triển khai đồng bộ và quyết liệt các chủ trương, định hướng về phát triển các vùng và quy hoạch tổng thể quốc gia; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để tạo thị trường và động lực phát triển mới trong năm 2023; đẩy nhanh chuyển đổi số tạo động lực tăng trưởng mới và đổi mới công tác truyền thông chính sách tạo đồng thuận xã hội cho phát triển kinh tế năm 2023.

Phát huy và khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo. Tạo động lực tăng trưởng kinh tế mới năm 2023 thông qua đẩy nhanh tháo gỡ các rào cản, nút thắt cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hội thảo Chuyên đề 2 với chủ đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững” tập trung thảo luận về lành mạnh hóa thị trường tài chính Việt Nam để phát triển kinh tế bền vững - Thực tiễn năm 2022 và những vấn đề đặt ra năm 2023. Phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam - những bất cập, rủi ro, thách thức lớn và các khuyến nghị chính sách. Cùng với đó là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với yêu cầu bảo đảm ổn định tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô. Lành mạnh hóa thị trường bất động sản thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững năm 2023.

Hội thảo Chuyên đề 3 với chủ đề “Đẩy nhanh tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp” tập trung thảo luận về khơi thông nguồn lực đầu tư công để dẫn dắt tăng trưởng trong môi trường nhiều bất định năm 2023.

Triển vọng kinh tế vĩ mô 2023 và định hướng điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp. Tháo gỡ điểm nghẽn về đầu tư công - góc nhìn từ các địa phương; đón đầu và thúc đẩy dòng vốn tín dụng xanh, tài chính xanh tại Việt Nam.

Hội thảo Chuyên đề 4 với chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023” tập trung thảo luận về triển vọng thị trường lao động toàn cầu 2023 và các gợi ý chính sách đối với Việt Nam. Tình hình doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động năm 2022 và kiến nghị, đề xuất.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, thách thức năm 2023. Bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và phúc lợi cho người lao động: thực tiễn năm 2022 và những vấn đề đặt ra năm 2023.

Chiều 17/12 diễn ra Phiên toàn thể do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì tổ chức. Sau toạ đàm bàn tròn cấp cao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài phát biểu trước 1.000 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Tại Phiên toàn thể, các diễn giả tập trung thảo luận các báo cáo gồm: Tổng quan kinh tế Việt Nam 2022 và định hướng điều hành 2023 do đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày; Triển vọng kinh tế thế giới 2023 và các gợi ý chính sách cho Việt Nam do Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trình bày.

Những vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam 2023 qua đánh giá phản ứng chính sách vĩ mô của các nước và dự báo viễn cảnh kinh tế châu Á 2023 do Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam trình bày.

Ổn định tài chính, lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản Việt Nam tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế 2023 do Chủ tịch Quỹ VinaCapital trình bày; Tăng tốc đầu tư công và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp để tạo bứt phá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023, do Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam trình bày.