Khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do

Theo Hoàng Châu/congthuong.vn

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA này đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu

Cơ cấu thị trường xuất khẩu đã có sự chuyển dịch sang các nước có FTA. Nguồn: Internet
Cơ cấu thị trường xuất khẩu đã có sự chuyển dịch sang các nước có FTA. Nguồn: Internet

Khai thác hiệu quả các cam kết mở cửa thị trường từ các FTA

Trong 16 FTA, có 12 FTA đã ký kết và có hiệu lực; 1 FTA đã kết thúc đàm phán và rà soát pháp lý phục vụ phê chuẩn (FTA Việt Nam - EU) và 3 FTA khác đang trong quá trình đàm phán, gồm: RCEP (ASEAN+6); Việt Nam - EFTA và Việt Nam – Israel.

 

“Các FTA này đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu” – Báo cáo đánh giá và cho biết thêm, qua tổng hợp theo dõi của Bộ Công Thương cho thấy, chúng ta đã tận dụng, khai thác có hiệu quả các cam kết mở cửa thị trường từ các FTA này cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo đó, tất cả các thị trường có FTA của ta đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao so với thời điểm trước khi có FTA. Trong đó, nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng rất cao sau khi thực thi Hiệp định, như: Chi-Lê (tăng gấp 3,6 lần sau 5 năm, tốc độ tăng bình quân 28,9%/năm); Ấn Độ (tăng gấp 15,6 lần sau 9 năm, tốc độ tăng bình quân 35,6%/năm); Hàn Quốc (tăng gấp 21,6 lần sau 12 năm, tốc độ tăng bình quân là 29,2%/năm) và Trung Quốc (tăng gấp 14,3 lần sau 14 năm, tốc độ tăng bình quân là 20,9%/năm)…

Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng có sự chuyển dịch sang các nước có FTA và có cơ cấu hàng hóa bổ sung với Việt Nam, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Liên minh Kinh tế Á Âu.

Đặc biệt trong năm 2018, tăng trưởng xuất khẩu trên nhiều thị trường đạt mức hai con số, như: Thị trường Trung Quốc đạt 41,4 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm 2017; thị trường ASEAN đạt 24,85 tỷ USD, tăng 14,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 18,8 tỷ USD, tăng 11,7% hay tại thị trường Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu đạt 18,2 tỷ USD, tăng 23,1%.

Về tổng kim ngạch sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA, riêng năm 2018 đạt 46,2 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA. Mức tỷ lệ sử dụng C/O này phản ánh doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam trong những năm qua. Đây cũng chỉ là tỷ lệ bình quân của các mẫu C/O. Nếu xét theo từng mẫu thì có nhiều thị trường có tỷ lệ sử dụng C/O để xuất khẩu rất cao như Hàn Quốc (60%), Nhật Bản (37,8%),...

Một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2019, Canada tăng 43,4% (đạt 1,18 tỷ USD), trong đó, dệt may tăng 22,6%, giày dép tăng 41,4%, túi xách, vali mũ ô dù tăng 21,5%. Mexico tăng 19,2% (đạt 497 triệu USD), trong đó, thủy sản tăng 31,7%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 53,4%, dệt may tăng 26,6%, giày dép tăng 18,9%...

Chủ động đàm phán, ký kết và tận dụng cơ hội từ các FTA

Để có được kết quả trên, theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực tổ chức triển khai nhiều giải pháp để tận dụng cơ hội mang lại từ các FTA. Về phía Bộ Công Thương đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, trong đó từ chú trọng hoạt động tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.

Bộ Công Thương cũng đã tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Hàng năm, Bộ Công Thương phê duyệt các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong việc thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương, giới thiệu sản phẩm sang các thị trường; thực hiện các chương trình thuận lợi hóa thương mại; khuyến khích tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm có tầm quốc gia; hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp chủ động bảo hộ các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa xuất khẩu trên thị trường thế giới.

Về triển khai hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện đơn giản hóa, hiện đại hóa, tổ chức thực hiện việc phân luồng doanh nghiệp trong quy trình cấp C/O ưu đãi. Đồng thời đẩy mạnh cấp C/O qua Internet, đẩy mạnh tự chứng nhận xuất xứ.

Tính đến hết tháng 4 năm 2019, các tổ chức được ủy quyền cấp C/O CPTPP đã duyệt cấp 1.872 bộ với tổng trị giá đạt khoảng 58,38 triệu USD. Trong đó, chủ yếu xuất khẩu sang Ca-na-đa, trị giá đạt khoảng 39,1 triệu USD, chiếm 67% trị giá hàng hóa xuất khẩu sử dụng C/O CPTPP trong khối CPTPP. Các mặt hàng xuất khẩu đã được cấp C/O CPTPP bao gồm giày dép, hàng dệt may, đồ gia dụng, thực phẩm chế biến, đồ gỗ,…

Trong thời gian tới, để tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ quá trình hội nhập này, Bộ Công Thương đã và đang tham mưu với Chính phủ và chủ động cùng các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập trung triển khai các nhóm giải pháp, từ tăng cường thông tin, tuyên truyền, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ, hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu đi thị trường các nước FTA nói chung và các nước thành viên CPTPP nói riêng… đến đơn giản hóa, hiện đại hóa hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của những vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại;…

Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm tại tổ chức cấp C/O và các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O. Chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu trong trường hợp có yêu cầu xác minh xuất xứ nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mượn xuất xứ Việt Nam để tránh việc giả mạo xuất xứ.

Bộ Công Thương cũng sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài củng cố, tăng cường công tác thông tin, cung cấp cho doanh nghiệp các phân tích, dự báo tình hình thị trường cũng như luật pháp, chính sách và tập quán buôn bán đặc thù của từng khu vực thị trường.

Ngoài ra, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - là cơ quan chủ trì về công tác quản lý chất lượng, kiểm dịch động thực vật và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản cùng phồi hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng triển khai đồng bộ, quyết liệt một số nội dung sau: tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; lập cơ sở dữ liệu về các biện pháp an toàn thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu chính, công bố để các doanh nghiệp tham khảo…

Bên cạnh đó, để hiện thực hóa thành công các cơ hội cũng như vượt qua được thách thức, sức ép từ hội nhập thì vấn đề cấp bách đặt ra là chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi tư duy kinh doanh thích nghi với bối cảnh mới, tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin và linh hoạt trong việc tiếp cận, tận dụng cơ hội.