Khai thác tối đa điểm mạnh của mô hình kinh tế chia sẻ
Mô hình kinh tế chia sẻ đang và sẽ mang lại nhiều hiệu quả tiềm năng tại Việt Nam, không chỉ mang đến những trải nghiệm mới cho người dân mà còn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Lợi ích từ mô hình kinh tế chia sẻ
Theo ông Yuhei Okakita, Phó Giám đốc Bộ phận chính sách thông tin kinh tế - Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản, doanh thu toàn cầu của nền kinh tế chia sẻ có tiềm năng tăng nhanh từ 15 tỷ USD hiện nay lên tới khoảng 335 tỷ USD. Ở Nhật Bản, doanh thu của ngành công nghiệp này vẫn còn khá nhỏ, nhưng dự đoán thị trường sẽ mở rộng gấp 3 lần trong vòng 5 năm tới.
Mô hình kinh tế chia sẻ được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội phát triển khi người tiêu dùng có thể tiếp cận và khai thác sử dụng những tài sản mà họ không sở hữu và không có điều kiện sở hữu riêng, trong khi đó, người sở hữu tài sản có cơ hội để tăng thêm thu nhập.
Nền kinh tế chia sẻ cũng giúp tiết kiệm chi phí, giúp bảo vệ môi trường, tăng tính hiệu quả của nền kinh tế, giảm bớt sự lãng phí tài nguyên xã hội và sự dư thừa năng lực của các sản phẩm dịch vụ.
Trên một góc nhìn khác, mô hình kinh tế chia sẻ đã tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các loại hình kinh doanh truyền thống, thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động kinh tế nói chung.
Với sự bùng nổ của kinh tế chia sẻ, với nền tảng thương mại điện tử, với khả năng kết nối chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay, mọi doanh nghiệp và cả các cá nhân có thể trực tiếp thiết lập mạng lưới phân phối của họ.
Phát triển kinh tế chia sẻ có thể góp phần giúp Việt Nam có thể thích ứng với những đổi thay lớn đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu, phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo cùng mọi nguồn lực để đất nước tiến lên phía trước nhưng không ai bị bỏ lại phía sau và mọi người đều được hưởng thành quả từ tăng trưởng.
Bước sang năm 2018, ngay trong tháng đầu tiên, nền kinh tế Việt Nam đã có khởi đầu tốt hơn cùng kỳ năm 2017, với ấn tượng mạnh mẽ hơn về việc một số chỉ tiêu đạt tốc độ tăng cao. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn thách thức. Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ đưa ra chủ trương có đề án về mô hình kinh tế chia sẻ.
Cụ thể, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1/2018 mới được ban hành, Chính phủ đã thống nhất xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ; Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan dự báo xu hướng thế giới, vận dụng phù hợp với tình hình Việt Nam, tổ chức xây dựng Đề án, bảo đảm tính khoa học, khả thi, đúng hướng; Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2018.