Khẩn trương sớm đưa Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động
Hiện nay, Bộ Tài chính đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương triển khai quyết liệt các công việc để đưa Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Sáng 25/3, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đã trao các Quyết định điều động bổ nhiệm có thời hạn đối với các chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Ông Phạm Văn Hoàng – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, thực hiện Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 23/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, hiện nay Bộ Tài chính đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương triển khai quyết liệt các công việc để đưa Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải chúc mừng các đồng chí đã được Lãnh đạo Bộ tin tưởng, điều động và bổ nhiệm vào vị trí công tác mới. Theo Thứ trưởng, đây đều là những cá nhân đã được đào tạo bài bản và có quá trình thâm niên công tác trong ngành Tài chính và trong lĩnh vực chứng khoán. "Tin tưởng với kinh nghiệm đã có, trên vị trí công tác mới, các đồng chí sẽ đoàn kết, chỉ đạo quyết liệt, tập hợp trí tuệ tập thể để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao", Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải khẳng định.
Theo Điều 43 Luật Chứng khoán 2019, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và công ty con chịu sự quản lý và giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, bao gồm: Vốn điều lệ tại thời điểm bắt đầu hoạt động (được xác định bằng tổng vốn chủ sở hữu của HNX, HOSE theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại thời điểm trước ngày Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp). Vốn bổ sung trong quá trình hoạt động theo quy định của pháp luật. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh vốn điều lệ của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Cơ cấu tổ chức quản lý của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam bao gồm: Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Ban kiểm soát và các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Hội đồng thành viên.
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có nhiệm vụ chính như: Xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; Xây dựng và ban hành các quy chế về niêm yết chứng khoán, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, thành viên của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các quy chế nghiệp vụ khác liên quan đến tổ chức và hoạt động thị trường giao dịch chứng khoán; ban hành tiêu chí giám sát giao dịch; ban hành chỉ tiêu báo cáo giám sát giao dịch áp dụng cho thành viên của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận; Chấp thuận, hủy bỏ tư cách thành viên của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam; quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm của thành viên theo quy định của pháp luật chứng khoán và làm trung gian hòa giải theo yêu cầu của thành viên khi phát sinh tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán...
Bên cạnh đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam còn có nhiệm vụ giám sát chung hoạt động giao dịch chứng khoán, hoạt động công bố thông tin của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch và nhà đầu tư thuộc đối tượng công bố thông tin; giám sát tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch và nhà đầu tư hoạt động trên các thị trường giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật; Xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống công nghệ thông tin, công nghệ mới, sản phẩm mới; trực tiếp triển khai thực hiện hoặc giao HXN, HOSE triển khai thực hiện; Hỗ trợ phát triển thị trường chứng khoán thông qua việc đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức; cung cấp dịch vụ về thông tin thị trường và thông tin liên quan đến chứng khoán niêm yết, chứng khoán đăng ký giao dịch; cung cấp dịch vụ phát triển hạ tầng công nghệ cho thị trường chứng khoán và các dịch vụ liên quan khác theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động; Hợp tác quốc tế về chứng khoán và thị trường chứng khoán với các Sở giao dịch Chứng khoán trên thế giới, các tổ chức quốc tế...
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nhiệm vụ đặt ra cho lĩnh vực chứng khoán trong năm 2021 là hết sức nặng nề, đặc biệt từ công tác xây dựng quy chế, phân cấp, quy chế của HNX và HOSE, kiện toàn đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất... để sớm đưa Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động trong thời gian tới. Đồng thời, khẩn trương phân công, phân cấp, điều phối để thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động sôi động, minh bạch, ổn định, bảo đảm an toàn.