Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ:
Khẩn trương xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động
(Tài chính) Để thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2014, Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động số 68/QĐ-BTC, thu được nhiều kết quả khả quan.
Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu trong 6 tháng đầu năm:
1. Để thực hiện mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, việc điều hành chính sách tài khóa đã được thực hiện chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Theo đó, Bộ Tài chính đã:
- Tập trung triển khai và hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2014, đảm bảo thời hạn quy định.
- Chỉ đạo triển khai các giải pháp về quản lý thu, đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thuế, đấu tranh chống chuyển giá, buôn lậu và gian lận thương mại. Đến tháng 6/2014, cơ quan Thuế, Hải quan đã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thu về hàng nghìn tỷ đồng cho NSNN.
- Quản lý chặt chẽ các khoản chi; điều hành NSNN chủ động và tích cực, đảm bảo nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi. Bên cạnh đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xử lý các vướng mắc trong việc thực hiện các dự án khởi công mới thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia; ban hành văn bản hướng dẫn việc quản lý thanh toán vốn đầu tư năm 2014 và các biện pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ; hướng dẫn thực hiện mua sắm tài sản từ nguồn dự toán NSNN năm 2014 được giao.Tính đến tháng 6/2013, KBNN đã thực hiện thanh toán gần 115 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư và gần 298 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên, từ chối thanh toán khoảng 56 tỷ đồng vốn đầu tư và 25 tỷ đồng chi thường xuyên không đúng chế độ, chính sách.
- Tổ chức huy động kịp thời các nguồn lực bù đắp bội chi NSNN và cho ĐTPT. Tính đến ngày 30/6/2014, đã tổ chức phát hành thành công 150,7 nghìn tỷ đồng TPCP, đạt 50,5% nhiệm vụ huy động vốn trong nước.
- Về công tác quản lý nợ công, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện vay, trả nợ năm 2013 và kế hoạch năm 2014; hạn mức vay thương mại nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh năm 2014; phương án tái cơ cấu nợ gốc trái phiếu quốc tế...
- Về công tác quản lý giá cả, thị trường, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật giá. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, qua đó góp phần minh bạch hóa thông tin về công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Công tác điều hành giá tiếp tục được kiên trì thực hiện theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Trong đó, giá xăng dầu được điều hành linh hoạt với 9 lần điều chỉnh giảm, 3 lần điều chỉnh tăng, kết hợp sử dụng có hiệu quả các công cụ tài chính nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân - doanh nghiệp và Nhà nước.
Đối với giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi, trên cơ sở báo cáo kết quả thanh tra của Bộ Tài chính (Trong tháng 3/2014, Bộ Tài chính đã thành lập 05 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế và giá tại 05 doanh nghiệp, gồm: Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam); Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A; Công ty TNHH sữa Nestle Việt Nam; Công ty sữa TNHH Friesland Campina Việt Nam và Công ty Cổ phần sữa Việt Nam.), Chính phủ đã có Nghị quyết thống nhất áp dụng có thời hạn biện pháp đăng ký giá và quy định quản lý giá tối đa. Đây là giải pháp tình thế cần thiết nhằm lập lại trật tự về giá đối với mặt hàng thiết yếu trong đời sống của nhiều hộ gia đình.
2. Về thực hiện Nghị quyết của Chính phủ nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh:
- Bộ Tài chính đã hướng dẫn việc miễn thuế khoán và thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, chăm sóc trông giữ trẻ, cung ứng suất ăn ca cho công nhân. Trình Chính phủ ban hành các Nghị định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, trên cơ sở đó đã ban hành Thông tư hướng dẫn các Nghị định trên.
- Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan, dặc biệt là cơ quan thuế, hải quan nhanh chóng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kê khai thuế qua mạng, mở rộng diện nộp thuế qua ngân hàng, đẩy mạnh tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ,... góp phần giảm thiểu chi phí tuân thủ cho người nộp thuế.
3. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế.
- Đối với công tác cải cách thể chế, Bộ đã chỉ đạo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường thể chế kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới hiện nay. Tập trung chỉ đạo hoàn thành các Đề án được giao trong Chương trình công tác, trong đó chú trọng các dự án Luật như: Luật NSNN (sửa đổi), Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào SXKD, Luật thuế TTĐB (sửa đổi, bổ sung)...
- Đối với cải cách thủ tục hành chính, thông qua Dự án hiện đại hoá thu NSNN, đã mở rộng việc kết nối thông tin Kho bạc - Thuế - Hải quan - Tài chính, thúc đẩy việc nộp thuế theo hướng hiện đại không dùng tiền mặt, rút ngắn và giảm thiểu chi phí cho đối tượng nộp thuế. Triển khai có hiệu quả hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VCIS), cơ chế một cửa Quốc gia và một cửa ASEAN.
- Về thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Bộ đã tham gia, phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện việc rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về phân cấp và quản lý đầu tư công.
Đối với việc tái cơ cấu TTCK, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam; tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh. Trên cơ sở đó, đang khẩn trương xây dựng quy định pháp lý cần thiết để sớm đưa thị trường này vào hoạt động.
Đối với thị trường bảo hiểm, Bộ đã chỉ đạo bổ sung các quy định về bảo hiểm bảo lãnh, ban hành tiêu chí đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm, xây dựng chính sách phát triển bảo hiểm nhân thọ dành cho người có thu nhập thấp... Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát và đôn đốc thực hiện các giải pháp tái cấu trúc nhằm nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Đối với việc tái cơ cấu DNNN, Bộ đã xây dựng trình Chính phủ và trình xin ý kiến Quốc về Dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào SXKD; đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
4. Công tác bảo đảm ASXH và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân: Đã trình cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở, chương trình 135, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã thôn, bản đặc biệt khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo xây nhà tránh lũ miền Trung; cấp bù chênh lệch lãi suất đối với 2 ngân hàng chính sách để thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội.
5. Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại tố cáo: Trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách cũng như trong điều hành tài chính-NSNN, Bộ Tài chính luôn chỉ đạo thực hiện đúng các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; quản lý, sử dụng NSNN đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương khi thi hành công vụ trong ngành tài chính; coi trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.