Khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân tại Đắk Lắk

Theo Đình Tăng/dangcongsan.vn

Mặc dù gặp không ít khó khăn, song đến nay tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung thực hiện khá đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân trên địa bàn phát triển. Đây là cơ sở nền tảng để thời gian tới Đắk Lắk tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá XII) “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Công nhân phơi, sấy, sơ chế cà phê tại các doanh nghiệp cà phê thuộc thành phần kinh tế tư nhân ở Đắk Lắk  ngày nay thu nhập khá ổn định hơn so với trước.
Công nhân phơi, sấy, sơ chế cà phê tại các doanh nghiệp cà phê thuộc thành phần kinh tế tư nhân ở Đắk Lắk  ngày nay thu nhập khá ổn định hơn so với trước.

Đây là khẳng định của đồng chí Phạm Ngọc Nghị - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khi thông tin về những kết quả bước đầu của địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá XII) “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tư nhân

Ông Phạm Ngọc Nghị cho biết, trong những năm qua, bám sát Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan của Trung ương, Tỉnh uỷ Đắk Lắk đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết trên đảm bảo sát, đúng với yêu cầu, tình hình thực tiễn đặt ra tại địa phương. Qua đó, từng bước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đưa kinh tế tư nhân tại Đắk Lắk thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có khoảng 15.000 doanh nghiệp (DN), tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân khoảng 60%.

Để triển khai, thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực thực hiện khá đầy đủ các chính sách của Nhà nước liên quan đến hỗ trợ, phát triển thành phần kinh tế tư nhân nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) nói riêng, nhất là trong thực hiện Luật Hỗ trợ DNN&V; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; các Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển DN…

Trong quá trình triển khai, thực hiện, ngoài việc thực hiện các chính sách của Trung ương, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, ngày 8/7/2020 về hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 04/2020/NQ-HĐND, ngày 8/7/2020 về Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND, ngày 9/1/2020 về một số chính sách hỗ trợ DNN&V trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND, ngày 6/1/2016 về miễn, giảm tiền thuê đất đối với cơ sở thực hiện xã hội hoá trên địa bàn tỉnh; thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNN&V để hỗ trợ cho các DN trong việc tiếp cận tín dụng, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng; vận động các nhà đầu tư tư nhân thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Lắk với số vốn góp ban đầu 1,9 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 để ổn định sản xuất, kinh doanh…

Cũng trong điều kiện nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tỉnh Đắk Lắk đã chủ động triển khai kịp thời các chính sách Trung ương hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng như: Gia hạn nộp thuế tiền thuê đất; tạm dừng các cuộc thanh tra chuyên ngành trong năm 2020 để DN có thời gian tập trung khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra; tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh của DN, nhà đầu tư; hỗ trợ hộ kinh doanh, đối tượng sử dụng lao động vay vốn để trả lương; cảnh giác và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh cải cách hành chính để hỗ trợ cho DN, nhà đầu tư…

Đặc biệt, địa phương đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Trong đó, tính đến ngày 28/10/2021 toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho gần 3.000 người sử dụng lao động (bao gồm hộ kinh doanh), 54.712 người lao động với tổng số tiền hỗ trợ gần 30 tỷ đồng; đã tiến hành chi trả cho 2.987 người sử dụng lao động, 47.913 người lao động với tổng số tiền 21 tỷ đồng. Qua đó giúp cho DN, nhà đầu tư giảm bớt khó khăn, từng bước khôi phục lại sản xuất, kinh doanh.

Khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân

“Với những quan tâm, hỗ trợ như vậy, Đắk Lắk đang từng bước khẳng định là nơi để thành phần kinh tế tư nhân phát triển, phát huy vai trò đối với nền kinh tế- xã hội địa phương. Trong giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh Đắk Lắk có 3.755 DN dân doanh đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 45.998 tỷ đồng. Luỹ kế đến hết năm 2020, tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 10.374 DN, tăng 1,93 lần về số lượng và 4,08 lần về quy mô vốn/DN so với năm 2015. Đồng thời, Đắk Lắk là tỉnh có số lượng DN đang hoạt động xếp thứ 22 cả nước và thứ 2 tại khu vực Tây Nguyên (sau Lâm Đồng). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 53.317 hộ kinh doanh đang hoạt động”- Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk dẫn chứng.

Về những đóng góp của thành phần kinh tế tư nhân đối với ngân sách Nhà nước (NSNN), góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, theo số liệu công bố của UBND tỉnh Đắk Lắk vào cuối tháng 6 vừa cho thấy: Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành của khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm cả kinh tế cá thể) là 55.928 tỷ đồng, chiếm 66% tổng GRDP toàn tỉnh. Các DN ngoài khu vực Nhà nước có đóng góp đáng kể cho NSNN, góp phần nâng tổng thu cân đối NSNN trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 8.293,5 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2019. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm 2016-2020 đạt 143.448 tỷ đồng, cao hơn giai đoạn trước 2,32 lần; khu vực vốn ngoài nhà nước tăng đáng kể, gấp 2,74 lần giai đoạn trước, chiếm 79% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Cũng theo UBND tỉnh Đắk Lắk, đến nay nhiều đơn vị của thành phần kinh tế tư nhân hoạt động kinh doanh đã phát huy được những lợi thế của mình, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường, hội nhập ngày càng sâu hơn vào kinh tế quốc tế, kinh tế khu vực, đóng vai trò chủ đạo tỏng hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh.

Liên quan đến vấn đề này, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị: “Xuất khẩu các sản phẩm nông sản nhất là cà phê, tiêu, cao su, mật ong… đang là thế mạnh của Đắk Lắk trong nhiều năm qua. Riêng năm 2020 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 600 triệu USD. Hàng hoá của Đắk Lắk đã xuất khẩu sang hơn 63 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt đã thâm nhập vào các thị trường lớn với yêu cầu chất lượng hàng hoá và vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt như: Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp…”.

Vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết…

“Mặc dù có những thành công như vừa kể, song đến nay công tác hỗ trợ và phát triển thành phần kinh tế tư nhân tại tỉnh Đắk Lắk vẫn còn nhiều vấn đề cần đặt ra, giải quyết hiệu quả. Trong đó đối với hoạt động của các đơn vị kinh tế tư nhân, các DN vẫn còn tình trạng thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, nguồn vốn sở hữu của các DN còn nhỏ, chủ yếu là vốn vay ngân hàng; quy mô tín dụng gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu của DN; cơ chế cho vay theo lãi suất không ổn định; trình độ quản lý của DN còn yếu, chưa ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào quản lý DN; sự hợp tác, liên kết giữa các DN để tạo nên sức mạnh về quy mô vốn, kỹ thuật- công nghệ còn hạn chế; vai trò dẫn dắt, tạo sức bật cho nền kinh tế chưa nhiều. Trong khi đó, công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân tuy thời gian qua tỉnh rất cố gắng nhưng nhìn chung còn chưa có nhiều đột phá, chưa có khung hỗ trợ mang tính định hướng cho cả giai đoạn, chưa tạo sức bật cho phát triển nhanh, bền vững của DN. Vai trò của Hiệp hội của DN, các hội ngành nghề chưa thực sự rõ nét. Một số quy định về đầu tư, kinh doanh còn chưa rõ ràng, chồng chéo…”- Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết thêm.

Để khắc phục những vấn đề còn khó khăn, bất cập trên, đồng thời tiếp tục đưa Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đi vào cuộc sống, phát huy tốt vai trò kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế - xã hội địa phương, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung vào một số nhóm nhiệm vu, giải pháp cơ bản như: Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phát triển DN theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNN&V; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và chuyển đổi số, tạo tư duy đột phá phục vụ người dân và DN; nâng cao vai trò của các Hiệp hội DN, Hội doanh nhân trẻ và các hội ngành nghề có liên quan; thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo của tỉnh để hỗ trợ, phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ để kinh tế tư nhân phát triển./.