Khẩu vị của các nhà đầu tư tài chính đang thay đổi

Theo baocongthuong.com.vn

Trong khi các quỹ đầu tư nước ngoài tập trung vào các doanh nghiệp trên sàn, thì nhiều nhà đầu tư tài chính trong nước tham gia vào một cuộc chơi M&A khác, với màu sắc rất riêng biệt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhà đầu tư tài chính đứng ngoài cuộc chơi quản trị

Trước đây, Hội đồng quản trị của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các quỹ đầu tư, xuất hiện đại diện của khối ngoại. Trở thành cổ đông lớn, tham gia quản trị để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị, đặc biệt là về tài chính, bán hàng… từng là “mốt” một thời của nhiều doanh nghiệp lớn.

Đại diện của Dragon Capital có mặt ở hàng loạt doanh nghiệp niêm yết lớn như: Công ty cổ phần (CTCP) Cơ điện lạnh (REE), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB), CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã SJS)…nhưng sau đó lần lượt rút lui sau khi thoái vốn.

Vina Capital, Mekong Capital, Red River Holdings cũng từng cử nhân sự tham gia Hội đồng quản trị của nhiều doanh nghiệp, nhưng theo thời gian, các quỹ này lần lượt rút chân khỏi vị trí “định vị chiến lược” trong các doanh nghiệp được đầu tư.

Hiện tại, ngoại trừ các quỹ chuyên đầu tư vào doanh nghiệp chưa đại chúng, các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), thì hầu hết các quỹ đầu tư tài chính lựa chọn cách đầu tư có trọng điểm vào doanh nghiệp niêm yết và trao trọn niềm tin cho Ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Dữ liệu thống kê hiệu quả hoạt động 6 tháng đầu năm các quỹ đại chúng trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam của CTCP Đào tạo đầu tư DoBF cho thấy bức tranh đầu tư khá rõ ràng của các quỹ này.

Theo đó, Top 10 khoản đầu tư có tỷ trọng cao trong tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ VEIL do Dragon Captital quản lý với tổng tài sản 932 triệu USD đều là cổ phiếu niêm yết. Trong đó, cổ phiếu VNM chiếm 18,8%, HPG chiếm 6,74%, MBB chiếm 6,17%, FPT chiếm 6%, GAS chiếm 5,58%, ACB chiếm 5,51%, VCB chiếm 4,22%, KDH chiếm 3,64%, KBC chiếm 3,30% và HSG chiếm 3,16%.

Quỹ Vietnam Opportunity Fund Ltd (VOF) của Vina Captal với tổng tài sản 796 triệu USD cũng tập trung phần lớn danh mục vào cổ phiếu niêm yết. Các cổ phiếu chiếm tỷ trọng tài sản cao trong danh mục là: VNM (14,5%), HPG (8,2%), EIB (5,2%), PNJ (4,8%), KDH (3,8%). Trong Top 10 khoản đầu tư có tỷ trọng lớn nhất của VOF, chỉ có 3 khoản đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết là QNS của Đường Quảng Ngãi (3,7% NAV), Sofitel Hotel (7,6% NAV) và Vinaland Ltd (2,6% NAV).

Danh sách Hội đồng quản trị các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư các quỹ trên cho thấy, hầu như không có sự tham gia của các quỹ đầu tư.

Giám đốc đầu tư của một quỹ nước ngoài lớn tại Việt Nam chia sẻ: “Trước kia, chúng tôi thường tham gia vào quản trị doanh nghiệp sau khi trở thành cổ đông lớn, nhưng từ nhiều năm nay, chúng tôi tin rằng, chính Ban lãnh đạo cũ mới là những người am hiểu tốt nhất về doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi chỉ tham gia với vai trò cố vấn các vấn đề về tài chính, kết nối thông tin và chia sẻ tầm nhìn”.

Màu sắc mới của sân chơi M&A

Trong khi các nhà đầu tư tài chính nước ngoài, các quỹ đầu tư trong nước có xu hướng rút về đúng vai trò nhà đầu tư tài chính thông thường, thì trong nước đang hình thành một nhóm nhà đầu tư tài chính mới, với những cuộc chơi M&A mang màu sắc rất riêng biệt.

Vẫn là các nhà đầu tư tài chính, vẫn là những cuộc chơi không mang tính dài hạn, nhưng thị trường đang hình thành một số nhóm nhà đầu tư tài chính mới, với cách thức của những nhà đầu tư theo chuỗi giá trị.

Theo đó, có những cuộc thâu tóm được thực hiện nhưng không xuất hiện cổ đông lớn, mà bao gồm nhiều cổ đông nhỏ với những mối liên hệ mang tính công việc, không thuộc phạm vi người có liên quan. Ngay sau thâu tóm thành công, cải cách toàn diện về nhân sự tại doanh nghiệp xuất hiện, kéo theo đó là những thay đổi toàn diện về hoạt động kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp được thâu tóm trọn vẹn về tay một doanh nghiệp khác, nhưng trên sổ sách giấy tờ, ông chủ thực sự lại không xuất hiện, do khoản đầu tư được mang tên các chủ thể sở hữu dưới 5% và các chủ thể này không phải công bố thông tin theo quy định pháp luật.