Khi giá vàng tăng, tiền số giảm

Theo Gia Lê/doanhnhansaigon.vn

Sau khi chạm mức thấp quanh 1.236 USD/oz, ngày 12/12/2017, thị trường vàng thế giới đã duy trì mạch tăng khá ấn tượng tại 1.300 USD/oz, cũng là mức kháng cự khá mạnh mà thị trường đã liên tục thách thức từ năm 2016 đến nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiện tại giá kim loại quý này giao dịch quanh 1.331 USD/oz, tăng 7,7% so với ngày 12/12/2017 và tăng 2,2% so với đầu năm nay, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất trong 4 tháng qua tại 1.344 USD/oz vào ngày 15/1.

Động lực tăng trưởng trở lại của giá vàng không chỉ nhờ vào sự tiếp tục suy yếu của đồng USD - đồng tiền chính thức mà giá vàng neo vào, nhu cầu tại các nước châu Á khi dịp lễ, Tết đang đến gần, mà còn đến từ đầu tư vào vàng tăng trở lại trước những dự báo rủi ro của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2018.

Chỉ số USD Index đã về vùng 90 - mức thấp nhất trong 2 năm qua, bất chấp dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế Mỹ và chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) suốt thời gian qua. Ngày 20/1, Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa do quốc hội chưa thông qua dự luật ngân sách cho giai đoạn tiếp theo trước hạn chót đêm 19/1.

Trong khi đó, nhu cầu đầu tư an toàn dường như đang tăng trở lại trong bối cảnh bong bóng tài sản ngày càng phình to. Diễn biến bán tháo trên thị trường tiền mật mã trong 2 tuần qua dẫn đến lo ngại sẽ lây lan đến các thị trường khác khi niềm tin nhà đầu tư đổ vỡ.

Trong giai đoạn nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương suốt 10 năm qua để vực dậy nền kinh tế đã dẫn đến hệ quả giá các tài sản như chứng khoán tăng mạnh nhờ dòng tiền rẻ này, trong khi các kênh đầu tư mới như tiền mật mã và các dự án gọi vốn ICO tăng trong thời gian gần đây.

Hệ quả là các đồng tiền mật mã đã bị bán tháo trong 2 tuần qua. Vốn hóa toàn thị trường vào cuối tuần qua đã rơi về dưới 600 tỷ USD, tức giảm hơn 30% so với mức cao đạt được gần đây ở 850 tỷ USD. Hàng loạt thông tin tiêu cực từ các nước có lượng giao dịch lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc được xem là nguyên nhân kéo giá tài sản này giảm sâu, trong đó có những đồng tiền có thời điểm giảm đến 80% so với mức đạt được trong tuần đầu tiên của năm nay.

Đặc biệt với việc sàn giao dịch Bitconnect bị đình chỉ hoạt động do các cáo buộc về gian lận đã tác động rất xấu đến tâm lý các nhà đầu tư. Riêng đồng Bitconnect chỉ trong vòng 10 ngày đã giảm một mạch từ hơn 430 USD xuống chỉ còn vỏn vẹn 18 USD, tức giảm đến 96%. Bitconnect thời gian qua đã bị cáo buộc hoạt động như một hình thức Ponzi - lấy tiền của nhà đầu tư mới trả cho nhà đầu tư cũ.

Sự đảo chiều của thị trường tiền mật mã trong những ngày qua là diễn biến khá bất ngờ, khi gần đây một loạt sàn giao dịch tại Mỹ đã cung cấp các hợp đồng tương lai đối với Bitcoin và ngày 19/1, Sàn Giao dịch chứng khoán New York cho biết sẽ cung cấp thông tin dữ liệu, giá cả cho thị trường tiền mật mã theo thời gian thực. Tuy nhiên, với quả bong bóng Bitconnect đầu tiên phát nổ thì người ta không chắc chắn được những gì sẽ còn diễn ra với các đồng tiền ảo đầy hấp dẫn về lợi nhuận nhưng cũng lắm rủi ro.

Với diễn biến tăng mạnh ở những kênh đầu tư an toàn như vàng và sự sụt giảm đến hoảng loạn trên thị trường tiền mật mã, nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là dấu hiệu báo trước một cuộc khủng hoảng tài chính sắp tới. Lịch sử cho thấy trong bối cảnh chớm khủng hoảng thì những tài sản đã được bơm giá lên quá mức sẽ phản ứng đầu tiên, nếu trước đây là thị trường chứng khoán thì dường như hiện nay là thị trường tiền mật mã.

Rõ ràng những lo ngại này không phải là không có cơ sở, nhất là khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã liên tiếp ra tín hiệu thắt chặt tiền tệ trở lại. Một khi lãi suất tăng, cung tiền thu hẹp, các nhà đầu tư sẽ nhanh chóng chốt lời trên các thị trường đã tăng giá quá mạnh khi dự đoán dòng tiền rẻ được bơm ra trong thời gian qua sẽ nhanh chóng bị hút trở lại.