Tái cơ cấu tổ chức tín dụng: Rộng cửa bước vào hành trình mới

Theo Minh Khuê/thoibaonganhang.vn

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) là nền tảng quan trọng cho sự chuyển động trong tái cơ cấu TCTD.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Minh bạch là điều kiện tiên quyết

Ngày 15/1/2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD đã chính thức có hiệu lực. Giới chuyên gia, luật sư… đều đồng tình cho rằng luật là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Bởi các nội dung sửa đổi, bổ sung của luật chủ yếu tập trung vào các nội dung như nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các TCTD, hạn chế tình trạng cổ đông lớn thao túng, chi phối hoạt động của TCTD, biện pháp can thiệp sớm các TCTD có dấu hiệu yếu kém và cơ chế xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Sau những tồn tại, yếu kém, tổn thất phát sinh từ nguyên nhân quản trị, điều hành, Luật sửa đổi Luật Các TCTD đã đưa ra những quy định chặt chẽ, siết mạnh hơn đối với vấn đề này. Bản thân các TCTD cũng đã ý thức và chú trọng hơn trong nâng cao năng lực quản trị ngân hàng, phát triển các hệ thống quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả kiểm soát, kiểm toán nội bộ.

Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, lãnh đạo một NHTM cho hay: “Không phải cho đến thời điểm này, các NHTM mới quan tâm tới quản trị điều hành, nhưng phải thừa nhận đâu đó vẫn còn những lỗ hổng mà nguyên nhân từ cả chủ quan và khách quan. Song tôi cũng hy vọng nhiều nội dung được quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi lần này sẽ khiến cho thực trạng cổ đông lớn thao túng ngân hàng, sở hữu chéo giảm đi một cách đáng kể”.

Cũng theo vị CEO này, các ngân hàng cũng đã và đang có những bước rốt ráo rà soát, hoàn thiện hệ thống các chính sách, quy trình, thủ tục trong các lĩnh vực nghiệp vụ. Đi đôi với đó là nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định, quản lý tín dụng. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ. Một trong những vấn đề cũng đặc biệt được các ngân hàng quan tâm là tăng cường đầu tư hệ thống công nghệ thông tin và hiện đại hoá ngân hàng.

Cùng với những quy định chặt chẽ hơn trong Luật Các TCTD sửa đổi, năm 2018 cũng là năm mà trọng tâm công tác thanh tra, giám sát của NHNN đẩy mạnh tập trung các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, dễ phát sinh sai phạm để có thể phát hiện, cảnh báo sớm các rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng 2018, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là những hành vi vi phạm đã được NHNN cảnh báo. Cá biệt hoá trách nhiệm cá nhân để NHNN có cơ sở xử lý.

Giải pháp đồng bộ, rộng cửa cho hành trình mới

Tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 1058, NHNN đã xác định các nhiệm vụ cụ thể trong việc xây dựng, ban hành/trình Chính phủ các đề án, nghị định và thông tư nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.

Đến nay, NHNN đã ban hành một số văn bản quan trọng và đã trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035 cũng như Đề án Củng cố và phát triển hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Chủ tịch Vietcombank ông Nghiêm Xuân Thành đánh giá việc NHNN đã xây dựng Đề án cơ cấu lại các TCTD trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là tiền đề quan trọng để các TCTD bám vào đó, xây dựng đề án và phương án cơ cấu lại TCTD đến năm 2020.

Đánh giá cao sự chủ động và chuẩn bị kỹ lưỡng của cơ quan điều hành trong việc soạn thảo, trình Chính phủ và Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 và Luật Các TCTD sửa đổi, bổ sung, ông Thành nhấn mạnh: đây là những căn cứ pháp lý và là những nền tảng quan trọng cho sự chuyển động trong tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng của toàn Ngành trong giai đoạn vừa qua và thời gian tới.

Cùng chung quan điểm, ông Eric Sigwick - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam chia sẻ: Nghị quyết 42, đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD là những văn bản pháp lý quan trọng tạo ra một cơ chế đồng bộ - nối tiếp bởi các biện pháp triển khai giúp xử lý nhanh chóng các khoản nợ xấu, khơi thông dòng vốn đang bị đóng băng tại VAMC.

“Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết và Luật sửa đổi là một bước đi quan trọng đầu tiên. Vấn đề NHNN phải quan tâm tiếp sau đây là làm sao để đạt được hiệu quả. Song nhìn tổng quan, tôi cho rằng triển vọng phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam đã được đẩy mạnh bởi những bứt phá này”, ông Eric Sigwick cho hay.

Để tái cơ cấu hệ thống TCTD hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn, không thể chỉ trông chờ vào luật. Sự quyết tâm của NHNN trong việc làm trong sạch hoá, lành mạnh hoá hệ thống TCTD đang thực sự nóng lên từng ngày, bằng hàng loạt những biện pháp, giải pháp đồng bộ đi kèm.

Hiện NHNN đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26 về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng. Dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 35 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, đáp ứng hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó có các nhiệm vụ về cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng chia sẻ NHNN đang tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Basel 2. Theo đó, đã ban hành Thông tư số 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel 2, tạo cơ sở pháp lý để các ngân hàng thực hiện trụ cột 1 và trụ cột 3 của Basel 2.

Đồng thời, NHNN đang hoàn thiện thông tư thay thế Thông tư số 44 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ. Trong đó có quy định về đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP) và quản lý rủi ro nhằm thực hiện trụ cột 2 của Basel 2.

Như vậy, có thể nói cơ chế chính sách thực hiện Basel 2 sẽ được hoàn thiện, góp phần xây dựng hệ thống pháp lý đồng bộ, thống nhất, tăng cường minh bạch hoá hoạt động ngân hàng.