Khi lái xe nên giữ khoảng cách bao xa với ô tô phía trước?
Giữ khoảng cách an toàn sẽ giúp tài xế có đủ thời gian xử lý đạp phanh, đánh lái, dừng xe để tránh va chạm với xe phía trước.
Theo quy định, khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, lái xe phải giữ khoảng cách an toàn với xe liền trước.
Thông thường, khi đang lái xe và nhìn thấy đằng sau cũng đang có một chiếc xe khác, bạn sẽ không mấy bận tâm, miễn là chiếc xe phía sau kia chạy đủ nhanh. Nhưng với một chiếc xe khác đang ở phía trước xe của bạn, bạn sẽ cần phải duy trì một khoảng cách an toàn.
Vậy khoảng cách đó là bao nhiêu? Điều này phụ thuộc vào chiếc xe của bạn đang đứng yên, di chuyển trong điều kiện bình thường hay đang lái xe trong điều kiện đường trơn trượt.
Quy định về khoảng cách an toàn
Tại Điều 11, Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019 của Bộ Giao thông vận tải có quy định về khoảng cách an toàn giữa xe trước và xe sau.
Cụ thể, trong điều kiện mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn ứng với tốc độ của xe như sau:
- Vận tốc dưới 60 km/h: Người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn giao thông;
- Vận tốc 60km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 35m;
- Vận tốc trên 60 đến 80 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 55m;
- Vận tốc từ trên 80 đến 100 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m;
- Vận tốc từ trên 100 đến 120 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 100m.
Đối với nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”
Theo quy định, khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, lái xe phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình. Ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" (biển P121), lái xe phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn trị số ghi trên biển báo.
Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển số P.121 (cự ly tối thiểu giữa hai xe) để báo xe ô tô phải đi cách nhau một khoảng tối thiểu bằng trị số ghi trên biển. Biển này hết hiệu lực khi hết khoảng cách cấm ghi trên biển phụ số S.501 hoặc đến vị trí đặt biển số DP.135 (hết tất cả các lệnh cấm).
Cũng theo điều 11 Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT: "Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn,..."
Mẹo xác định khoảng cách an toàn của các tài xế giàu kinh nghiệm
Khi di chuyển trên đường, tài xế rất khó xác định khoảng cách chính xác với xe phía trước. Việc căn khoảng cách chỉ mang tính chất tương đối, hầu hết dựa trên kinh nghiệm.
Tại hành lang một số tuyến đường cao tốc hiện nay có các tấm biển ghi số 0 mét, 50 mét, 70 mét, 100 mét... Đây có thể xem là "thước đo" giúp lái xe xác định khoảng cách với xe trước, từ đó điều chỉnh về khoảng cách an toàn cho phù hợp.
Chẳng hạn cùng một thời điểm, xe sau đi ngang với biển số 0 mét, còn xe phía trước ngang biển số 100 mét thì hai xe có khoảng cách tương đương 100 mét.
Một mẹo được nhiều tài xế có kinh nghiệm áp dụng để giữ khoảng cách an toàn là quy tắc "3 giây". Cách xác định khá đơn giản đó là lái xe lấy một mốc bất kỳ trên đường như biển báo, bụi cây, cột điện... Khoảng thời gian chênh lệch giữa xe trước và xe sau khi cùng đi qua cột mốc đó bằng hoặc lớn hơn 3 giây.
Nghiên cứu cho thấy, 3 giây là khoảng thời gian cần và đủ để tài xế dừng xe an toàn sau khi đạp phanh.