Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng với những thành công trong tiến trình hiện đại hóa
Thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 theo Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg, thời gian qua, cùng với các đơn vị trong hệ thống, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Chiến lược. Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng đã triển khai thành công các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ, giảm thời gian giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi thực hiện giao dịch với các đơn vị trên địa bàn.
Triển khai thành công nhiều đề án ứng dụng công nghệ thông tin
Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020 nêu rõ: “Xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định, vững chắc; thực hiện tốt các chức năng quản lý Quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) và các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ và quản lý nợ chính phủ; tổng kế toán nhà nước. Đến năm 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại và hình thành kho bạc điện tử”. Để triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược này, năm qua, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước đã chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành chương trình hành động và tập trung triển khai các đề án, dự án, cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động. Theo đó, hệ thống KBNN đã đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện văn bản pháp luật, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Từ những việc làm trên, đến thời điểm này, về cơ bản, hệ thống KBNN đã đạt được mục tiêu tổng quát đề ra trong Chiến lược, tạo tiền đề cho việc xây dựng Kho bạc hiện đại vào năm 2020. Trong quá trình thực hiện Chiến lược, việc phát triển và ứng dụng CNTT hiện đại, hình thành Kho bạc điện tử được xác định là nền tảng căn bản để thực hiện hiệu quả các hoạt động của KBNN. KBNN đã triển khai thành công Hệ thống thông tin Quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) và hệ thống vệ tinh về thanh toán điện tử song phương với các ngân hàng thương mại (NHTM), thanh toán điện tử liên ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước; phối hợp ủy nhiệm thu NSNN với các NHTM, chương trình quản lý kho quỹ, chương trình điện tử kho bạc - LAN, Cổng Thông tin giao dịch công trực tuyến KBNN. Cùng với đó, KBNN còn tích cực triển khai các ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý nội bộ như: Chương trình quản lý tài chính tài sản nội bộ, mạng internet nội bộ, Cổng thông tin điện tử nội bộ, chương trình quản lý văn thư...
Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng và những dấu ấn trong tiến trình hiện đại hóa
Cùng với 62 đơn vị KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc KBNN Trung ương, KBNN Đà Nẵng ngay từ những năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 đã nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong việc tham gia cùng toàn hệ thống thực hiện thành công Chiến lược. Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu có tính nền tảng là hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ và các hoạt động quản lý nội bộ thông qua quá trình ứng dụng CNTT.
Là một trong số các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính - ngân sách trên địa bàn TP. Đà Nẵng, KBNN Đà Nẵng luôn nhận thức rõ trách nhiệm của “người phục vụ” khi tham gia vào tiến trình cải cách hành chính đã và đang diễn ra sôi động, hiệu quả, minh bạch trên địa bàn Thành phố. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu hướng đến “mọi đối tượng được phục vụ” là các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các đơn vị KBNN trên địa bàn, việc ứng dụng CNTT hướng đến Kho bạc điện tử trong tương lai gần là giải pháp được KBNN Đà Nẵng quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Thời gian qua, KBNN Đà Nẵng đã chủ động thực hiện cải cách hiện đại hóa từ việc triển khai thành công các ứng dụng, các dự án CNTT của KBNN đến xây dựng và triển khai một số các ứng dụng khác trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ. Nổi bật trong quá trình tham gia của KBNN Đà Nẵng cùng với tiến trình hiện đại hóa của Hệ thống KBNN có một số thành công sau:
Một là, phối hợp với các NHTM và các cơ quan thu trên địa bàn tập trung các khoản thu vào NSNN.
KBNN Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với các cơ quan thu và các NHTM thực hiện cải tiến, hợp lý hóa và tích cực ứng dụng CNTT để tổ chức tốt công tác thu; thực hiện hạch toán nhanh chóng, chính xác số liệu thu NSNN; góp phần quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN hàng năm của TP. Đà Nẵng.
KBNN Đà Nẵng là một trong số ít đơn vị trong hệ thống sớm triển khai thực hiện phối hợp và ủy nhiệm thu NSNN cho các NHTM nhờ vào ứng dụng CNTT của Dự án hiện đại hóa thu NSNN thông qua cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn quốc (kể từ tháng 10/2009 theo các văn bản triển khai của KBNN, trước khi có Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 cũng như các quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính về phối hợp thu với các NHTM). Kết quả là đến năm 2018, 100% KBNN các quận, huyện trực thuộc không chỉ đã ủy nhiệm thu cho các chi nhánh NHTM - nơi có tài khoản thanh toán, mà còn ủy nhiệm thêm bằng các tài khoản chuyên thu tại một số các chi nhánh NHTM trên địa bàn (Mỗi đơn vị KBNN trên địa bàn đã ủy nhiệm thu cho từ 2 - 4 chi nhánh NHTM). Qua đó, tạo nên một mạng lưới gần 20 chi nhánh thuộc 5 hệ thống NHTM lớn (Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Quân đội) và đã thiết lập được kênh thanh toán song phương với KBNN; Tham gia vào quy trình thu NSNN với cả 2 hình thức là chuyển khoản và tiền mặt của tất cả các khoản thuế, phí, lệ phí nội địa và xuất nhập khẩu, cùng với các khoản thu phạt vi phạm hành chính các loại.
Trong quá trình phối hợp thu, các bên bao gồm các cơ quan thu, KBNN và các ngân hàng nhận ủy nhiệm thu đã phối hợp trao đổi dữ liệu về số phải thu và số đã thu hoàn toàn tự động thông qua việc khai thác dữ liệu dùng chung từ Dự án hiện đại hóa thu NSNN. Hoạt động này đã tạo nên một mạng lưới các điểm thu NSNN của các chi nhánh, các điểm giao dịch, do các NHTM thực hiện một cách rộng khắp trên địa bàn TP. Đà Nẵng; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có thêm sự lựa chọn trong thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Hai là, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/08/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Theo yêu cầu của KBNN, từ đầu năm 2016, KBNN Đà Nẵng là một trong số 5 đơn vị KBNN trong cả nước được chọn triển khai thí điểm 3 dịch vụ công trực tuyến theo quy định tại Quyết định số 2704/QĐ-BTC ngày 17/12/2015 của Bộ Tài chính về việc thí điểm thủ tục giao dịch điện tử đối với dịch vụ công trên Cổng thông tin điện tử KBNN.
Trong thời gian chuẩn bị thực hiện thí điểm, KBNN Đà Nẵng đã quán triệt tới toàn thể cán bộ công chức trong toàn đơn vị đón nhận một phương thức phục vụ mới (các dịch vụ công điện tử), phù hợp với xu thế phát triển chung. Đồng thời, thực hiện báo cáo lãnh đạo địa phương, thông tin đến một số các sở ngành có liên quan như Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông để ủng hộ và phối hợp triển khai dịch vụ công trực tuyến. Trong thời gian này, KBNN Đà Nẵng đã lựa chọn và mời 10 đơn vị có quan hệ giao dịch với KBNN trên địa bàn tham dự Hội thảo về triển khai các dịch vụ công trực tuyến KBNN để phổ biến ý nghĩa, mục đích, nhất là lợi ích của việc triển khai, cũng như phổ biến quy trình nghiệp vụ áp dụng dịch vụ công trực tuyến, điều kiện kỹ thuật tham gia các dịch vụ trên, cũng như quy trình đăng ký, cấp chữ ký số điện tử tại đơn vị sử dụng ngân sách.
Tuy nhiên, do một số trở ngại chung trong toàn Hệ thống KBNN, nhất là việc đăng ký chữ ký số của các đơn vị giao dịch cũng như quy trình, quy định chính thức để thực hiện, nên phải đến thời điểm cuối năm 2017, sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 133/2017/TT-BTC (ngày 15/12/2017) quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN, cùng với toàn hệ thống KBNN, KBNN Đà Nẵng mới có thể bắt nhịp trở lại và chính thức triển khai hoạt động này. Theo đó, việc triển khai 3 dịch vụ công trực tuyến được KBNN Đà Nẵng thực hiện như sau: (1) Đăng ký sử dụng bổ sung tài khoản tại KBNN và thay đổi mẫu dấu, mẫu chữ ký; (2) Kê khai và giao nhận hồ sơ kiểm soát chi; (3) Đăng ký rút tiền mặt với KBNN, đã được triển khai tại cơ quan KBNN Đà Nẵng thông qua giao dịch với phòng Kiểm soát chi và tại 7/7 đơn vị KBNN quận, huyện trực thuộc. Với nỗ lực trên, đến giữa năm 2018, KBNN Đà Nẵng là một trong số ít KBNN tỉnh, thành phố trong hệ thống chính thức triển khai dịch vụ công trực tuyến KBNN tại 100% các đơn vị KBNN trên địa bàn.
Do là giai đoạn đầu triển khai và còn phụ thuộc vào điều kiện để tham gia của các đơn vị sử dụng NSNN nên số lượng các đơn vị đã giao dịch theo hình thức điện tử trực tuyến với các đơn vị KBNN trên địa bàn TP. Đà Nẵng chưa nhiều, hiện vẫn trong giai đoạn thăm dò. Với các tiện ích mang lại như các đơn vị giao dịch chỉ thực hiện kê khai, lập chứng từ thanh toán theo mẫu trên dịch vụ công, chữ ký số gửi mà không phải đến KBNN để trực tiếp gửi hồ sơ; cộng với việc chủ động nắm bắt tình trạng, kết quả xử lý hồ sơ thanh toán của đơn vị... dịch vụ công trực tuyến đã rút ngắn thời gian và tạo thuận lợi cho khách hàng.
Trên tinh thần chủ động, khẩn trương, trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện, việc mở rộng hình thức giao dịch trực tuyến đến tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn Thành phố sẽ được KBNN Đà Nẵng quyết liệt thực hiện trong thời gian tới nhằm sớm hướng tới mục tiêu Kho bạc điện tử theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.