Kho bạc Nhà nước điều hành ngân quỹ nhà nước an toàn, minh bạch và hiệu quả

Thùy Linh

Trong thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã chủ động xây dựng và triển khai phương án điều hành ngân quỹ nhà nước (NQNN) theo hướng an toàn, chủ động, minh bạch và hiệu quả.

KBNN điều hành ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả
KBNN điều hành ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả
Điều hành ngân quỹ nhà nước an toàn

Thực hiện quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, bám sát các chủ trương điều hành về kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, KBNN đã chủ động triển khai công tác điều hành NQNN đáp ứng đầy đủ, kịp thời các khoản thanh toán, chi trả của ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch, đặc biệt là các khoản chi thực hiện chính sách an sinh xã hội, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Cùng với đó, KBNN cũng tổ chức điều hành NQNN bằng nội tệ và ngoại tệ tập trung trong toàn hệ thống, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của ngân sách nhà nước và các đơn vị có giao dịch với KBNN. Theo ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý Ngân quỹ (KBNN), ngân quỹ được hình thành từ nhiều nguồn, với quỹ ngân sách trung ương đến ngân sách các cấp, các địa phương.Toàn bộ tiền ngân sách được gửi tại KBNN, nên KBNN như một ngân hàng và các đơn vị sử dụng ngân sách là khách hàng. Tất cả nguồn tiền đều có cơ chế quản lý riêng như dành cho quốc phòng hay đơn vụ sự nghiệp công lập… và đều có nhiệm vụ chi cụ thể.

Đơn cử như với Quỹ vắc xin phòng COVID-19, Quỹ này được hình thành và quản lý theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với việc quy định rõ 4 nội dung cụ thể để sử dụng nguồn Quỹ như: dùng cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin; nghiên cứu và sản xuất vắc xin…, nên không thể dùng Quỹ vắc xin cho các nhiệm vụ khác.

Ông Lưu Hoàng cũng cho hay, nguyên tắc quản lý ngân quỹ là đến cuối ngày nguồn tiền được gửi toàn bộ về Ngân hàng Nhà nước, từ đó góp phần hỗ trợ cơ quan này trong điều tiết cung tiền. Việc quản lý ngân hàng an toàn, hiệu quả giúp đảm bảo tất cả thanh toán giữa Chính phủ và KBNN.

Cùng với việc điều hành NQNN an toàn, KBNN đã tổ chức triển khai nghiệp vụ sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi cho ngân sách nhà nước vay (để bù đắp bội chi, trả nợ gốc) và tạm ứng cho ngân sách nhà nước (khi nguồn thu chưa tập trung kịp); phần NQNN tạm thời nhàn rỗi còn lại được gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước và mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ theo phương thức đấu thầu cạnh tranh lãi suất, đảm bảo công khai, minh bạch. Qua đó, công tác quản lý, điều hành NQNN được an toàn, hiệu quả theo quy định.

Lý giải thêm về nguồn ngân quỹ chưa sử dụng, còn “nhàn rỗi”, theo Cục trưởng Cục Quản lý Ngân quỹ, thứ tự ưu tiên là sử dụng cho ngân sách nhà nước vay và tạm ứng, phần còn lại chưa có nhu cầu sử dụng thì mới mang đi gửi các ngân hàng thương mại. Việc gửi tiền cũng phải đảm bảo dựa trên nguyên tắc an toàn hệ thống, gửi tại các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước đánh giá là an toàn cũng như trên cơ sở các tiêu chí của Bộ Tài chính. Hơn nữa, quy trình thực hiện còn đảm bảo từ khâu chào thầu, mở thầu và ký kết hợp đồng, việc đầu thầu được thực hiện hoàn toàn trên phương thức điện tử.

KBNN cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm tổ chức dự báo luồng tiền và thực hiện quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý NQNN theo đúng quy định. Theo đó, KBNN đã tổ chức điều hành, quản lý NQNN an toàn, minh bạch, hiệu quả và đã nộp vào ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ.

 

Trong 6 tháng cuối năm 2023, KBNN sẽ bám sát tình hình thu ngân sách nhà nước, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách trung ương và tình hình thị trường để điều hành khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ phù hợp, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu bội chi, trả nợ gốc của ngân sách trung ương và cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu; điều hành lãi suất phát hành hợp lý, phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, KBNN đã báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng NQNN, trong đó làm rõ cơ cấu nguồn hình thành NQNN theo tính chất sở hữu và tính chất biến động; nguyên tắc quản lý NQNN. KBNN đánh giá, việc sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính của Nhà nước nói chung và NQNN nói riêng.

Huy động trái phiếu chính phủ bám sát thị trường tài chính tiền tệ

Cùng với công tác điều hành NQNN, trong 6 tháng đầu năm KBNN cũng tập trung thực hiện tốt công tác huy động vốn. Theo đó, bám sát diễn biến của thị trường tài chính tiền tệ, KBNN đã chủ động báo cáo, đề xuất với Bộ Tài chính các giải pháp để tổ chức triển khai công tác huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ. KBNN đã tổ chức phát hành trái phiếu chính phủ ngay từ đầu năm, tăng cường huy động khi thị trường thuận lợi để đảm bảo khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm, đáp ứng nhu cầu vốn vay của ngân sách trung ương theo phương án điều hành ngân sách theo từng quý trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

KBNN cũng tập trung phát hành trái phiếu chính phủ theo phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đảm bảo công khai, minh bạch; Phát hành linh hoạt các kỳ hạn trái phiếu chính phủ để hài hòa nghĩa vụ trả nợ giữa các năm; đồng thời, đảm bảo kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân phù hợp với mục tiêu (9-11 năm) tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
KBNN cũng đã điều hành lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ phù hợp với tình hình thị trường và quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo huy động đủ nhu cầu vốn của ngân sách trung ương với chi phí vay phù hợp.

Theo thống kê, tính đến ngày 30/6/2023, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành là 179.892 tỷ đồng, tương đương 45% kế hoạch Bộ giao (400.000 tỷ đồng). Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân là 12,23 năm. Thời gian đáo hạn bình quân của danh mục trái phiếu chính phủ là 9,15 năm. Lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ bình quân năm 2023 là 4,13%/năm.

Có thể nói, hiện thị trường trái phiếu chính phủ đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho ngân sách nhà nước, gắn công tác phát hành trái phiếu chính phủ với tái cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2023