Kho bạc Nhà nước đổi mới công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng
Thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã chủ động cải cách hiện đại hóa công tác kiểm tra, giám sát song song với cải cách hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ, để phòng ngừa rủi ro, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch.
Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát nội bộ
Theo báo cáo của Vụ Thanh tra Kiểm tra KBNN, những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát nội bộ hệ thống KBNN luôn được Lãnh đạo KBNN quan tâm chỉ đạo nhằm mục tiêu chủ động phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, sai sót trong hoạt động KBNN, đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ; nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch…
Từ năm 2016 đến nay, Tổng Giám đốc KBNN đã ban hành 04 chỉ thị và nhiều văn bản chỉ đạo; tổ chức 03 hội nghị chuyên đề và nhằm cảnh báo rủi ro trong hoạt động KBNN và các biện pháp tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ.
Đối với công tác kiểm tra, từ năm 2016-2018, trung bình mỗi năm hệ thống KBNN thực hiện trên 900 cuộc kiểm tra nội bộ. Trong 2 năm 2020-2021, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên diện rộng, phải thực hiện giãn cách xã hội, giảm khoảng 200 cuộc so với những năm trước. Thông qua công tác kiểm tra đã giúp cho KBNN kịp thời nhận diện những tồn tại, sai sót trong hoạt động KBNN...
Sau các đợt kiểm tra, KBNN đều có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh chung trong toàn hệ thống. Việc tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm tra; xử lý các vấn đề phát sinh sau các cuộc kiểm tra nội bộ trong hệ thống KBNN theo đúng Quy trình về xử lý sau kiểm tra nội bộ trong hệ thống KBNN ban hành kèm theo Quyết định số 4567/QĐ-KBNN ngày 25/10/2016 của Tổng Giám đốc KBNN.
Cùng với công tác kiểm tra thường xuyên, 10 tháng năm 2021, KBNN cũng đã tiến hành gần 200 cuộc kiểm tra đột xuất các đơn vị trong hệ thống đối với công tác quản lý, sử dụng tài khoản đăng nhập chương trình nghiệp vụ, bảo mật chứng thư số nhằm đánh giá khách quan, chính xác tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Qua đó, kịp thời phát hiện các sai sót nghiệp vụ, hành vi vi phạm gây thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước giao KBNN quản lý. Song song với công tác Kiểm tra nội bộ, toàn hệ thống cũng đã triển khai thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị sử dụng NSNN theo đúng kế hoạch được phê duyệt.
Chủ động phòng ngừa rủi ro, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng
Trên nền tảng kết quả đạt được, thời gian tới, hệ thống KBNN tiếp tục tăng cường kiểm tra nội bộ, trách nhiệm thực thi công việc của công chức, viên chức, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, thiếu sót, giữ vững kỷ cương, kỷ luật tài chính hệ thống KBNN.
Cùng với đó, tập trung xây dựng và vận hành hệ thống giám sát từ xa các hoạt động nghiệp vụ KBNN; Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát nội bộ hệ thống KBNN nhằm rút ngắn thời gian kiểm tra trực tiếp, từng bước chuyển từ phương thức kiểm tra thủ công trực tiếp tại trụ sở KBNN là đối tượng được kiểm tra sang thực hiện kiểm tra, giám sát từ xa theo phương thức điện tử; Xây dựng công cụ giám sát hoạt động nghiệp vụ KBNN các cấp phục vụ công tác đánh giá, kiểm soát, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động KBNN, cùng hướng tới triển khai thực hiện Kiểm toán nội bộ KBNN;
Đặc biệt là nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng; duy trì tốt đoàn kết nội bộ, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ tại từng đơn vị KBNN, đảm bảo tuyệt đối an toàn tiền, tài sản Nhà nước giao KBNN quản lý.
Ngoài ra, hệ thống KBNN cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ nhằm khai thác triệt để các dữ liệu sẵn có trên môi trường điện tử để từng bước chuyển đổi từ phương thức kiểm tra, giám sát trực tiếp (tại chỗ) sang phương thức kiểm tra, giám sát trên môi trường điện tử; Kiện toàn hệ thống kiểm tra, giám sát nội bộ; phát triển chức năng kiểm soát rủi ro; xây dựng quy chế và thực hiện kiểm toán nội bộ KBNN nhằm phát hiện, ngăn ngừa rủi ro và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống KBNN.
6 nội dung tập trung đẩy mạnh trong bối cảnh mới
Để thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của hệ thống KBNN, Tổng Giám đốc KBNN yêu cầu Giám đốc KBNN các tỉnh, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị thuộc KBNN quyết liệt chỉ đạo, triển khai tốt một số công việc sau:
Một là, đổi mới công tác kiểm tra, giám sát nội bộ hệ thống KBNN xuất phát từ yêu cầu khách quan hướng tới mục tiêu phòng ngừa rủi ro, nâng cao chất lượng phục vụ của KBNN các cấp.
Hai là, gắn kết quả kiểm tra, giám sát với trách nhiệm của người đứng đầu KBNN các cấp, với công tác đánh giá, xếp loại công chức, công tác thi đua, khen thưởng hàng năm; Có biện pháp thiết thực để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch; Xử lý nghiêm, điều chuyển ngay các công chức có thái độ phục vụ kém.
Ba là, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, thực hiện linh hoạt công tác kiểm tra, giám sát phù hợp với diễn biến dịch COVID-19 trên từng địa bàn; Tăng cường kiểm tra đột xuất các đơn vị thuộc và trực thuộc, có trọng tâm, trọng điểm; Kết hợp hài hòa giữa kiểm tra trực tiếp, kiểm tra đột xuất và giám sát từ xa.
Bốn là, tiếp tục nâng cấp dịch vụ công trực tuyến; Xây dựng hệ thống giám sát từ xa việc sử dụng chứng thư số và các giao dịch trên Dịch vụ công trực tuyến; Xây dựng phần mềm hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát.
Năm là, nghiên cứu, triển khai thực hiện kiểm toán nội bộ trong hệ thống KBNN, từng bước xây dựng khung quản lý rủi ro trong hoạt động KBNN, tập trung vào nội dung trọng yếu có tính chất rủi ro cao để phòng ngừa, đảm bảo các hoạt động KBNN an toàn, hiệu quả.
Sáu là, thực hiện nghiêm việc luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức đảm bảo theo đúng quy định.
10 tháng năm 2021, KBNN đã tiến hành gần 200 cuộc kiểm tra đột xuất các đơn vị trong hệ thống đối với công tác quản lý, sử dụng tài khoản đăng nhập chương trình nghiệp vụ, bảo mật chứng thư số nhằm đánh giá khách quan, chính xác tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, qua đó kịp thời phát hiện các sai sót nghiệp vụ, hành vi vi phạm gây thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước giao KBNN quản lý.