Khó xử lý hình sự các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu nhập lậu
Theo Ban chỉ đạo 389 một số địa phương, hiện nay việc xử lý hình sự loại tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu nhập lậu gặp nhiều khó khăn, không thể xử lý được.
Ngày 26/01/2016, Tòa án Nhân dân Tối cao có Công văn số 06/TANDTC chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp dưới có nội dung: Đối với các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, thuốc lá điếu qua biên giới, nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 153 (tội buôn lậu), Điều 154 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới) thì đưa ra xét xử. Đối vối các hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa cần chờ các cơ quan có thẩm quyền giải thích (tức là tạm dừng việc xét xử).
Mặt khác, theo nguyên tắc quy định tại khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 thì việc quy định những loại hàng hóa nào “Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam” liên quan đến việc xác định hành vi của một người có bị xử lý hình sự hay không phải do Luật định.
Hiện nay, mới chỉ có Luật Đầu tư 2014 có quy định 05 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong đó có pháo nổ, sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá (không phải là mặt hàng cấm). Các loại hàng hóa khác được nêu tại Điều 190, 191 Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa được đưa vào Luật, mà chỉ mới được nêu trong Nghị định số 59/2006/NĐ-CP và Nghị định số 43/2009/NĐ-CP.
Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc khác khi áp dụng quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 1, Nghị quyết 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về việc thi hành Bộ luật Hình sự, kể từ ngày 01/07/2016 theo nguyên tắc có lợi cho bị can. Tuy nhiên, vấn đề bất cập này đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định tại Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 sẽ áp dụng hình thức xử lý hình sự khi vi phạm từ 1.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu.
Trong khi đó, theo nhận định của cơ quan chức năng, tình hình buôn lậu thuốc lá điếu của các đối tượng phần lớn diễn ra trên tuyến Long An – Tây Ninh về TP. Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, các đối tượng hoạt động tinh vi, thường xuyên thay đổi phương thức thủ đoạn hoạt động.
Các đối tượng hoạt động công khai và rất manh động, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ để tẩu tán hàng, giải cứu đối tượng bị bắt giữ… hàng cấm thuốc lá được các đối tượng vận chuyển từ khu vực biên giới Campuchia tới Tây Ninh, Long An diễn ra hàng ngày trên cả đường bộ và đường thủy lợi dụng địa hình, địa vật sông nước chằng chịt, dân cư thưa thớt, làm cho khả năng huy động phương tiện.
Các đối tượng chủ mưu cầm đầu chủ yếu ở Long An, Tây Ninh tổ chức lực lượng “canh đường” rất kỹ càng, chạy trên suốt tuyến, sử dụng nhiều số điện thoại di động (sim khuyến mãi) để thông tin liên lạc, luôn thay đổi giờ giấc, địa điểm giao nhận hàng… gây khó khăn cho công tác xác minh nhân thân, lai lịch đối tượng và áp dụng biện pháp trinh sát ngoại tuyến và trinh sát kỹ thuật; các đối tượng vận chuyển, tiêu thụ khi bị bắt thường không khai ra đối tượng chủ mưu cầm đầu nên rất khó khăn trong công tác xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ, đấu tranh xác định hành vi vi phạm của các đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong lĩnh vực này.
Do vậy, bên cạnh các giải pháp như: Các lực lượng chức năng như: Bộ đội biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường... chủ động lên phương án phối hợp với các đơn vị có liên quan, trong đó chú ý đổi mới phương pháp trinh sát, điều nghiên nắm rõ đối tượng vận chuyển hàng nhập lậu để nhận dạng ra đầu nậu, từ đó truy tìm điểm tập kết hàng; Xác định các đối tượng chủ mưu, cầm đầu... để có biện pháp đấu tranh cụ thể, hiệu quả; kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu thuốc lá trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Điều tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về vận chuyển và buôn lậu thuốc lá...