Đổi mới mô hình chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước
(Taichinh) - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã công bố báo cáo Doanh nghiệp nhà nước: Ràng buộc ngân sách, khung khổ quản trị và biến dạng thị trường. Trong đó đề xuất đổi mới mô hình chủ sở hữu quản lý vốn đầu tư tại những doanh nghiệp này để tránh gây ảnh hưởng đến quá trình cải cách thể chế, cũng như biến dạng thị trường kinh tế.
Nhằm thực hiện cam kết đa phương gia nhập WTO để được công nhận là nền kinh tế thị trường năm 2018, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cải cách thể chế kinh tế phi thị trường, trong đó tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong 3 trọng tâm cơ bản. Tuy nhiên, theo thống kê tại báo cáo Doanh nghiệp nhà nước: Ràng buộc ngân sách, khung khổ quản trị và biến dạng thị trường, sau 9 năm chính thức là thành viên WTO với cam kết minh bạch hóa hoạt động thị trường kinh tế, hiện nay vẫn còn trên dưới 800 doanh nghiệp nhà nước với tổng tài sản lên tới 80% GDP, gấp hơn 5 lần so với quy mô tài sản của các doanh nghiệp nhà nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là 15% GDP. Nên với nguyên tắc quản trị doanh nghiệp nhà nước của OECD liên quan đến thúc đẩy sở hữu tư nhân, cạnh tranh bình đẳng, động cơ lợi nhuận, sản xuất kinh doanh định hướng quan hệ cung - cầu của thị trường, doanh nghiệp nhà nước đang bị đánh giá có xu hướng làm biến dạng thị trường trong nước.
Điều này sẽ gây ra một loạt hệ lụy. Đơn cử với ngành ngân hàng - ngành đang chạy nước rút trong tái cơ cấu. Ngân hàng là nơi rót vốn cho các doanh nghiệp, hay nói đúng hơn là cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều cần sự hỗ trợ ngân hàng. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, các ngân hàng thương mại đã và đang dành phần lớn ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước dù bị đánh giá hoạt động kém hiệu quả, rủi ro tín dụng cao với tổng dư nợ lên đến 20% và tập trung vào một số ít tập đoàn, tổng công ty lớn. Lý giải việc này, bà Phạm Chi Lan cho biết, ngân hàng thương mại có lòng tin tuyệt đối về sự an toàn với các khoản vay vốn của doanh nghiệp nhà nước. Họ kỳ vọng Nhà nước sẽ hỗ trợ thanh toán khi các doanh nghiệp này không trả được nợ, và trên thực tế ngân hàng thương mại còn chấp nhận cho vay vượt mức cấp tín dụng ngay khi có sự chỉ đạo, chỉ định hoặc bảo lãnh, tín chấp của Nhà nước. Chưa kể doanh nghiệp nhà nước luôn chiếm ưu thế vượt trội trong xét duyệt các khoản vay nợ nước ngoài cũng như được cấp một khoản chi nhất định từ ngân sách nhà nước hàng năm để thực hiện một số nhiệm vụ Nhà nước giao.
Ví dụ này cho thấy, mặc dù hệ thống pháp luật đã nỗ lực đặt doanh nghiệp nhà nước trong khuôn khổ chung với doanh nghiệp tư nhân nhưng thực tế ứng xử trong thể chế kinh tế Việt Nam đang tạo cho doanh nghiệp nhà nước quá nhiều lợi thế cạnh tranh. Mà theo nguyên tắc quản trị doanh nghiệp nhà nước của OECD 2014, tất cả điều này xuất phát từ sự bất hợp lý trong khuôn khổ quản trị doanh nghiệp nhà nước, khi mà chính sách sở hữu của Nhà nước thiếu thống nhất và chưa rõ ràng. Cụ thể, các chính sách này không nêu rõ mục tiêu, yêu cầu chủ sở hữu quản lý vốn đầu tư tại doanh nghiệp khiến cho cơ chế, bộ máy và nguồn lực để giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu đầu tư vốn nhà nước khó đi vào thực chất. Hệ thống giám sát kém hiệu quả khiến sai lệch thông tin và quan hệ giá cả, cung - cầu của thị trường; hệ thống thông tin không minh bạch làm tăng chi phí giao dịch của thị trường, méo mó quan hệ kinh doanh và cạnh tranh; bộ máy quản lý điều hành doanh nghiệp phân quyền lớn nhưng thiếu trách nhiệm giải trình. Từ đó, doanh nghiệp nhà nước mất động lực, đồng thời không chịu và sẵn sàng chịu áp lực tạo lợi nhuận dẫn đến mất năng lực cạnh tranh trên thị trường, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế cũng như tất cả cộng đồng doanh nghiệp.
Để tạo động lực cải cách thể chế kinh tế phi thị trường hiện nay, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, song song với đổi mới vai trò, chức năng của doanh nghiệp nhà nước, áp đặt kỷ luật ngân sách và kỷ luật thị trường, cổ phần hóa phải đi vào thực chất, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra đề xuất cụ thể là đổi mới mô hình chủ sở hữu quản lý vốn đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, kịch bản 1 là trường hợp cơ quan chủ sở hữu đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước, ban hành chính sách chung cho các thành phần kinh tế thì phải có bộ phận chuyên trách đủ thẩm quyền thực hiện chức năng chủ sở hữu. Nếu không, theo kịch bản 2, phải xem xét thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng chủ sở hữu quản lý vốn đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước.