Chủ động trước những đổi thay
(Taichinh) - Việc Luật Doanh nghiệp 2014 trao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp đòi hỏi ở các doanh nghiệp tinh thần chủ động và sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể tận dụng tối đa những cải cách mang tính đột phá trong Luật này.
Nắm rõ những quy định mới
Luật Doanh nghiệp 2014 có nhiều điểm mới, đồng thời quy định rất nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp phải nghiên cứu, nắm rõ để thực thi.
Các luật sư cho rằng, quy định mới về con dấu và người đại diện theo pháp luật là 2 điểm nổi bật mà các doanh nghiệp đang hoạt động hoặc dự kiến thành lập cần lưu ý.
Về con dấu, doanh nghiệp có quyền có nhiều con dấu và tự quyết về hình thức và nội dung con dấu nhưng phải thể hiện tên và mã số doanh nghiệp. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp phải thông báo mẫu con dấu mới với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời, việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu, doanh nghiệp cần nêu rõ trong Điều lệ công ty theo quy định tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014.
Về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014, số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp cần nêu rõ trong Điều lệ công ty.
Những thay đổi trên đây tuy tạo ra quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh nhưng cũng đặt ra yêu cầu doanh nghiệp tiến hành sửa đổi, bổ sung Điều lệ để phản ánh và hiện thực hóa các quy định này trong thực tế.
Công ty Luật PLF lưu ý thêm: sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc khi thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải công bố công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đây là điểm mới trong Luật Doanh nghiệp 2014. Một điểm quan trọng nữa là trong một số trường hợp, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể yêu cầu người đăng ký nộp Phiếu lý lịch tư pháp.
Sửa đổi, bổ sung hoặc biên soạn lại điều lệ công ty
Có người nói rằng, nếu xem công ty như là một quốc gia, một xã hội thu nhỏ thì Điều lệ công ty chính là Hiến pháp của quốc gia thu nhỏ ấy. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta, Điều lệ công ty thường bị xem nhẹ. Các doanh nghiệp thường thiếu đầu tư đúng mức khi xây dựng nó.
Xuyên suốt Luật Doanh nghiệp 2014, các cụm từ: “Trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác”, “trong trường hợp điều lệ công ty không có quy định khác thì”, “trường hợp điều lệ công ty không quy định thì”, “tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định”, “do điều lệ công ty quy định” lặp lại rất nhiều lần. Khi doanh nghiệp được trao quyền tự chủ mạnh mẽ như vậy thì Điều lệ công ty càng trở nên quan trọng. Do đó, các nhà làm luật và các luật sư khuyến cáo doanh nghiệp phải cập nhật, thay đổi, bổ sung kịp thời các nội dung trong Điều lệ công ty tương ứng với những khác biệt của Luật Doanh nghiệp 2014 so với Luật Doanh nghiệp 2005. Một số thay đổi cần lưu ý như: tỷ lệ dự họp tối thiểu để tiến hành họp hội đồng thành viên hay đại hội đồng cổ đông; phương thức thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông; không cấm một người đã làm giám đốc (tổng giám đốc) công ty cổ phần không được làm giám đốc (tổng giám đốc) công ty khác; về người đại diện theo pháp luật; yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của đại hội đồng cổ đông...