Khối ngoại vẫn tích cực bám sàn
(Tài chính) Trong mấy ngày vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chứng kiến những đợt bán tháo, lực cầu “co cụm” ở khối nhà đầu tư (NĐT) nội. Trong khi đó, các NĐT nước ngoài liên tục có động thái “bắt đáy” để tính toán cho kế hoạch lâu dài.
Với Việt Nam, cơ sở của kỳ vọng tăng trưởng trở lại không gì khác ngoài yếu tố vĩ mô vẫn đang ổn định, triển vọng của những hợp tác trên cả phương diện kinh tế và chính trị đối với các quốc gia trong khu vực cũng như các cường quốc đã giúp chúng ta từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Hàng loạt các cổ phiếu lần lượt được kéo lên mức giá trần. Diễn biến này đưa cả hai chỉ số chứng khoán tăng mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/5, chỉ số VN-Index tăng 15,62 điểm, tương ứng 3,04% lên 529,53 điểm; HNX-Index tăng 2,48 điểm, tương ứng 3,58% lên 71,87 điểm.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 160 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.900 tỷ đồng. Thị trường cũng bắt đầu có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, thanh khoản đồng thời được duy trì xấp xỉ mức trung bình của tháng 4/2014.
Tuy nhiên, trái với sự e ngại của NĐT trong nước, mức độ tham gia thị trường của khối ngoại có phần tích cực hơn. Giá trị mua ròng của NĐT nước ngoài liên tục tăng mạnh kể từ phiên ngày 8/5 đến nay và tập trung chủ yếu vào các mã trụ cột như HAG, PVD, GAS, BVH, VCB…
Quan sát diễn biến thị trường ngày 14/5, nhiều dấu hiệu cho thấy lực mua bắt đáy đã nhen nhóm xuất hiện cùng với tín hiệu tích cực từ các cổ phiếu lớn trên cả hai sàn. Vì vậy, trong báo cáo, các công ty chứng khoán (CTCK) đều đưa ra lời khuyên rằng, NĐT có tỷ lệ tiền mặt cao có thể bắt đầu giải ngân một phần.
Có thể, việc màu xanh trải rộng trên nhiều nhóm cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 14/5, đặc biệt là đối với các cổ phiếu ngành chứng khoán, tài chính và bất động sản chưa nói lên được điều gì. Nhiều NĐT cho biết, họ không thể dựa vào đó để lạc quan dự báo thị trường sẽ nhanh chóng quay lại đà tăng điểm, bởi như vậy có thể sẽ quá khiên cưỡng.
Thậm chí, những diễn biến mới về sự kiện Trung Quốc xâm phạm Biển Đông, hoặc ảnh hưởng từ tiến trình giải quyết các vụ đại án sẽ vẫn còn tác động phần nào đến tâm lý NĐT. Vì vậy, không bất ngờ khi NĐT luôn giữ quan điểm thận trọng là đứng ngoài để quan sát, bởi rủi ro còn nằm ở yếu tố T+. Họ tuyệt nhiên không có ý định lướt sóng trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, những quyết định mua vào cũng không hẳn là sai lầm. Bởi nếu chọn đúng những cổ phiếu đã giảm mạnh và dự kiến có sức bật tốt từ yếu tố nội tại của chính DN, hoặc định hướng tốt trong tương lai, thì chắc chắn phần thưởng cho việc liều lĩnh có thể sẽ không nhỏ.
Nói như vậy bởi xu hướng tăng điểm trong dài hạn của mọi TTCK cho tới thời điểm hiện nay vẫn luôn luôn đúng. Nhiều chuyên gia còn nhấn mạnh việc tháo chạy khỏi thị trường bởi những quyết định không được tính toán kỹ lưỡng mà do tác động từ bên ngoài có thể sẽ gây nuối tiếc sau này cho NĐT.
Vì đối với Việt Nam, cơ sở của kỳ vọng tăng trưởng trở lại không gì khác ngoài yếu tố vĩ mô vẫn đang ổn định, triển vọng của những hợp tác trên cả phương diện kinh tế và chính trị đối với các quốc gia trong khu vực cũng như các cường quốc đã giúp chúng ta từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Điều này hoàn toàn có khả năng làm điểm tựa để tạo đà tăng trở lại.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, NĐT nước ngoài mua ròng liên tiếp, bất chấp thị trường có giảm điểm hay không. Điều này chứng minh rằng, khối ngoại vẫn tin tưởng ở TTCK Việt Nam sẽ tạo ra nhiều cơ hội. Nói như ông Trương Hiền Phương, Giám đốc CTCK KIS Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, nỗi lo sợ sẽ không trở thành hoảng loạn khi chúng ta hình dung và đo lường được nó.
Chính vì vậy, trong mấy ngày vừa qua, TTCK Việt Nam chứng kiến những đợt bán tháo, lực cầu “co cụm” ở khối NĐT nội. Trong khi đó, các NĐT nước ngoài liên tục có động thái “bắt đáy” để tính toán cho kế hoạch lâu dài.
“Tiền thực hoàn toàn có thể ở lại đối với những cổ phiếu an toàn. Với mặt bằng giá hiện nay, không khó để NĐT tìm kiếm những cổ phiếu có tỷ suất cổ tức hấp dẫn hơn lãi suất tiết kiệm”, ông Phương khẳng định.
Tương tự, bà Bùi Thị Tâm, chuyên viên phân tích CTCK VDSC nhận định, những phiên trước, mặc dù giảm sâu nhưng NĐT nên để ý đến thanh khoản của hai sàn đều tốt. Điểm tích cực trong thanh khoản khẳng định việc dòng tiền không hoàn toàn tháo chạy khỏi thị trường.
Diễn biến hiện nay khiến tôi liên tưởng đến một sự kiện tương tự diễn ra cách đây gần 2 năm. Đó là việc “bầu Kiên” bị bắt vào ngày 21/8/2012. Cũng cùng bối cảnh thiếu vắng thông tin, sự kiện này khiến VN-Index giảm đến 20,44 điểm.
Đáng lưu ý, việc gia tăng mua ròng của NĐT nước ngoài ở cả hai sự kiện, có thời điểm khối ngoại mua ròng 243 tỷ đồng (gần 3 lần so với phiên trước đó) tại sự kiện Trung Quốc xâm phạm Biển Đông và 132 tỷ đồng (gần 2 lần so với phiên trước đó) tại sự kiện “bầu Kiên”. “Quay về với câu chuyện Biển Đông, theo quan điểm của tôi, tâm lý NĐT mới là vấn đề then chốt trong thời điểm hiện tại. Một sự bình tĩnh, tránh tâm lý đám đông là điều cần thiết lúc này”, bà Tâm nói.
Rõ ràng, những tác động thuộc về yếu tố chính trị thường có ảnh hưởng kéo dài đến tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các tài khoản hiện đang có tỷ lệ chứng khoán cao hoặc đang sử dụng margin. Việc mua vào lúc này là không gấp. Song, giới chuyên gia cho rằng, việc mua ròng của khối ngoại là điểm đáng để NĐT trong nước xem xét có nên tháo chạy lúc này hay không?