Khơi nguồn kiều hối năm 2022

Theo ThS Nguyễn Lê Ngọc Hoàn/diendandoanhnghiep.vn

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước và số liệu của định chế tài chính khác, Việt Nam vẫn nằm trong top các quốc gia nhận kiều hối cao trên thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố, dòng kiều hối gửi về Việt Nam năm 2021 đạt 12,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2020.

Tích cực kiều hối 2021

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định đây là số thống kê của Ngân hàng Nhà nước và đâu đó cũng có những số liệu thống kê khác của các tổ chức khác có thể cao hơn, tuy nhiên đây là số chính thống khi sử dụng trong các báo cáo, đánh giá.

Với số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lượng kiều hối gửi về Việt Nam qua các tổ chức tín dụng khoảng 7%, các công ty kiều hối 28%, qua bưu điện 2%… Như vậy tỷ trọng dòng kiều hối để về qua các tổ chức không có nhiều thay đổi khi các công ty kiều hối vẫn thu hút chuyển tiền nước ngoài về nhiều nhất. Ngoài ra cũng phải thấy rằng kiều hối qua các tổ chức tín dụng vẫn khá tích cực.

Một số liệu khác theo ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo đưa ra, là năm 2021 Việt Nam đứng thứ tám thế giới và đứng thứ ba trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối. Theo đó, WB cho rằng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay ước tính ở mức 18,1 tỷ USD, cao hơn mức 17,2 tỷ USD năm 2020, khi Việt Nam xếp thứ 11 thế giới về lượng kiều hối. Trước đó, WB từng đưa ra dự báo lượng kiều hối về Việt Nam sẽ giữ nguyên như trước đại dịch nhưng kết thúc năm COVID-19 thứ nhất, định chế này đã điều chỉnh số liệu lượng kiều hối về Việt Nam tăng lên.

Trong năm qua, theo ghi nhận trong các kỳ công bố báo cáo kinh tế Việt Nam, WB đều tỏ ra lạc quan về kiều hối về Việt Nam với quan điểm dù kiều bào và người lao động Việt Nam ở nước ngoài có thể còn có khó khăn vì đại dịch COVID-19 ở các quốc gia, song cũng chính vì đại dịch cũng đang diễn ra nên lượng kiều hối vẫn đổ về để giúp đỡ bà con trong nước. Và đây là nguồn vốn quý giá để góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ, giúp cho tỷ giá được duy trì ổn định.

Một số liệu đáng chú ý từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh là trong năm, lượng kiều hối chuyển qua hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức kinh tế chi trả kiều hối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng cao hơn so với dự kiến trước đó, lên 7,1 tỷ USD, tăng 16% so với năm trước. Với con số này, hiện kiều hối là kênh chiếm khoảng 12% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố. Và kiều hối của TP. Hồ Chí Minh cũng chiếm tới hơn ½ tổng kiều hối chuyển về tính chung trong cả nước năm qua.

Như vậy, đánh giá riêng 2021, lượng kiều hối về TP. Hồ Chí Minh có ý nghĩa lớn với không chỉ bà con, người dân trên địa bàn mà còn với cả kinh tế của thành phố đầu tàu vùng và cả nước. Điều này phản ánh rõ ràng tinh thần “tương trợ” của bà con Việt kiều và người lao động Việt Nam ở nước ngoài đối với bà con quê nhà trong đại dịch khi năm 2021, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đã có giai đoạn hứng chịu khó khăn vì đại dịch căng thẳng nhất.

Với số liệu này, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định trước bà con kiều bào là Chúng tôi xem nguồn kiều hối là nguồn lực rất lớn và cần những chính sách, nghiên cứu để thu hút, tạo động lực phát triển mới. Trong năm qua, kiều hối bà con gửi về cũng gần bằng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài".

Chính sách thu hút kiều hối, tạo động lực phát triển mới

Vậy, để có thể thu hút nhiều hơn kiều hối, tạo động lực cho đầu tư, phát triển mới, rõ ràng TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước cần những chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi sao cho mỗi đồng kiều hối được gửi về, có ý nghĩa tạo hiệu suất đầu tư, đóng góp cho tăng trưởng GRDP và GDP tối ưu nhất.

Được biết, năm 2021, cơ quan quản lý không thống kê mục đích lượng kiều hối chuyển về để đầu tư, sản xuất - kinh doanh hay đổ vào bất động sản, và gần đây do bối cảnh COVID-19, kiều hối ghi nhận đổ về có mục đích góp sức an sinh, hỗ trợ thân nhân vượt khó khăn. Khi nền kinh tế đang phục hồi sản xuất, làm sao để “nắn dòng” kiều hối quay trở lại với mục đích đầu tư kinh doanh, thì việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho mọi khu vực, đặc biệt là dân doanh, tư nhân, khối kinh doanh vi mô và siêu vi mô… rất cần được chú ý.

Ngoài ra, việc theo dõi, thống kê mục đích dịch chuyển của lượng kiều hồi chảy vào bất động sản, chứng khoán, hoặc thậm chí các kênh đầu tư tài sản ảo… cần sự chặt chẽ, đặc biệt trong bối cảnh các thị trường này đã tiềm ẩn rủi ro đối với người dân đầu tư không chuyên.

Về phía các nhà cung cấp dịch vụ, trung gian tiếp nhận chuyển, trả kiều hối đến người dân… hiện có thể thấy các tổ chức lớn đặc biệt trong hệ thống ngân hàng, đã có sự kết nối mạnh mẽ với tổ chức quốc tế và cả các nhà trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế, đầu tư công nghệ, tăng cường hiệu quả dịch vụ. Điều này cần được nhìn nhận là nhân tố có giá trị lớn kích hoạt lượng kiều hối linh hoạt, thông suốt về Việt Nam. Theo đó, chính sách để khuyến khích các tổ chức đầu tư, kết nối công nghệ, dịch vụ… gia tăng giá trị, hiệu quả và bảo mật, an toàn, nhanh chóng… sẽ tạo cơ hội cho không chỉ thu hút kiều hối.

Cuối cùng, 2022 là năm các nền kinh tế lớn trên thế giới đã và đang phục hồi kinh tế và phát triển, điều này sẽ giúp cho người Việt lao động ở nước ngoài, kiều bào có thêm thu nhập và có thể tăng lượng kiều hối gửi về Việt Nam hỗ trợ người thân hoặc đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tuy có những yếu tố lo ngại do lạm phát tăng cao ở các quốc gia này, song lượng kiều hối 2022 của Việt Nam dự báo vẫn sẽ tiếp tục tích cực.