Nhân tố tác động tới khả năng thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nguyễn Thị Diệu Chi, Đặng Ngọc Nghĩa, Đặng Thùy Anh, Khương Mai Anh, Dương Khánh Linh, Hà Thị Thanh Hằng

Bài viết đánh tác động của các yếu tố tới khả năng thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2023 bằng phương pháp FGLS và kỹ thuật hồi quy phân vị. Kết quả cho thấy, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp, giá trị giao dịch cổ phiếu và biến động tỷ giá tác động cùng chiều với khả năng thanh khoản. Trong khi đó, lợi suất trung bình, kỳ hạn trái phiếu và lạm phát thì tác động ngược chiều với khả năng thanh khoản. Kết quả cũng ghi nhận tác động không đồng nhất của các yếu tố thể chế, biến động lãi suất tiền gửi bình quân và thời gian đã lưu hành trái phiếu. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị nhằm tăng cường khả năng thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.

Đặt vấn đề

Từ khi hình thành tới nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ngày càng khẳng định vai trò là một kênh dẫn vốn quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu được hình thành vào năm 2000 sau khi Trung tâm giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đi vào hoạt động. Đến năm 2005, TPDN được phát hành, nhưng thị trường chỉ thực sự phát triển mạnh sau khi Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 của Chính phủ về phát hành TPDN được ban hành và có hiệu lực. Mục tiêu của nghiên cứu này là phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp góp phần tăng cường khả năng thanh khoản của thị trường TPDN.

Nhân tố tác động tới khả năng thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nghiên cứu của Kapingura và Ikhide (2015), He và Nasser (1999) chỉ ra lạm phát có tác động ngược chiều với khả năng thanh khoản của thị trường trái phiếu. Nghiên cứu của Eichengreen và Luengnaruemitchai (2004) cho rằng, khi yếu tố lãi suất càng lớn sẽ càng làm tăng rủi ro của các tài sản dài hạn trên thị trường tài chính, đặc biệt là TPDN. Bên cạnh đó, yếu tố như tỷ giá hối đoái cũng có tác động tới khả năng thanh khoản của thị trường TPDN trong các nghiên cứu của Eichengreen và Luengnaruemitchai (2004).

Nghiên cứu của Alexander và cộng sự (2000), Warga (1992) cho thấy, khi trái phiếu có thời gian đáo càng dài thì yếu tố thanh khoản lại càng giảm đi bởi khi đó danh mục đầu tư trở nên bị động. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Harris và Raviv (1993) chỉ ra mối quan hệ ngược chiều giữa biến động lợi suất của TPDN và khả năng thanh khoản bởi vì biến động lợi suất gây ra nhiều giao dịch đầu cơ hơn và sự tác động này lớn hơn đối với trái phiếu lợi suất cao. Quy mô phát hành TPDN là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến khối lượng trái phiếu giao dịch (Hotchkiss và cộng sự, 2002). Theo Alexander và cộng sự (2000), quy mô phát hành có tác động tích cực đến khả năng thanh khoản của thị trường TPDN. Do đó, có rất nhiều nghiên cứu xoay quanh sự tác động của các nhân tố tới khả năng thanh khoản của thị trường TPDN, tuy nhiên, chưa có sự thống nhất trong quan điểm và cần có sự kiểm nghiệm sâu hơn ở các thị trường.

Mô hình, biến và giả thuyết nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu đánh giá tác động của các nhân tố tới khả năng thanh khoản của thị trường TPDN Việt Nam được xem xét như sau:

Biến và giải thuyết nghiên cứu được nhóm tác giả tổng hợp ở Bảng 1.

Bảng 1: Biến và giả thuyết nghiên cứu

Biến phụ thuộc đo lường khả năng thanh khoản của thị trường TPDN

Biến độc lập

EXRATE

Biến động tỷ giá hối đoái

+/-

INFLA

Lạm phát

-

AGE

Thời gian đã lưu hành của TPDN

-

YTM

Lợi suất trung bình

+/-

TERM

Kỳ hạn của TPDN

-

INS

Sự thay đổi quy định về giao dịch và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nhận giá trị 0 trong giai đoạn từ 1/1/2019 đến 31/8/2020 và bằng 1 trong giai đoạn còn lại

+/-

SIZE

Quy mô lưu hành TPDN (Ln khối lượng phát hành)

+

SHAREVAL

Giá trị giao dịch cổ phiếu (Ln giá trị giao dịch cổ phiếu doanh nghiệp phát hành)

+

Nguồn: Tổng hợp Tổng hợp của nhóm tác giả

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Thống kê mô tả

Kết quả thống kê cho thấy, dữ liệu của các biến trong mô hình tương đối ổn định. Biến động quy mô giao dịch TPDN trên thị trường trong giai đoạn 2019-2023 tương đối lớn từ -9.1766 đến 7.7366 với giá trị trung bình quanh mức 3.7009 cho thấy quy mô giao dịch khá phát triển.

Kiểm định tính dừng

 

Bảng 2: Thống kê mô tả biến

Variables

Obs

Mean

Std. Dev.

Min

Max

TRAVAL

514

3.7009

3.4748

-9.1766

7.7366

INFLA

514

0.0034

0.0048

-0.0154

0.0189

INTRATE

514

0.0676

0.0078

0.0590

0.0800

EXRATE

514

0.0018

0.0121

-0.0414

0.0413

TERM

514

59.6615

27.8736

24.0000

120.0000

AGE

514

17.2704

11.8338

1.0000

60.0000

YTM

514

0.0928

0.0178

0.0600

0.1588

INS

514

0.9222

0.2682

0.0000

1.0000

SIZE

514

6.9764

0.6099

5.9203

8.1583

SHAREVAL

514

7.3196

1.7148

1.1735

10.1607

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

Với p < 0.01 cho thấy biến TRAVAL, SIZE, AGE, YTM, INS, SHAREVAL, INFLA, INTRADE, EXTRATE, TERM có sự phụ thuộc chéo. Đối với các biến không thay đổi theo thời gian (SIZE, YTM, INS) hay giá trị +1 sau mỗi thời kỳ (AGE) sẽ không xem xét tính dừng. Kết quả kiểm định cho thấy, các biến cần xét tính dừng (TRAVAL, SHAREVAL, INFLA, EXTRATE, INTRATE) đều thỏa mãn điều kiện p-value nhỏ hơn 0.01 trừ biến INTRATE. Kết quả chạy kiểm định để khẳng định rằng, biến INTRATE tuy không dừng tại bậc 0 nhưng đã dừng ở sai phân bậc 1 của nó và ý nghĩa của biến sau khi sai phân là biến động của lãi suất trung bình.

Kết quả hồi quy

Kết quả hồi quy hiệu chỉnh Bảng 3 bằng FGLS và Hồi quy phân vị cho thấy, quy mô phát hành (SIZE) tác động tích cực và ý nghĩa đến tất cả các phân vị. Quy mô và thanh khoản của thị trường TPDN Việt Nam đã có bước tăng trưởng. Nhân tố thời gian đã lưu hành (tuổi) của trái phiếu (AGE) tác động không đồng nhất đến các phân vị của quy mô giao dịch, tuy nhiên tất cả các tác động đều không đáng kể. Đối với phân vị cao nhất 0.875th, thời gian đã lưu hành của trái phiếu tác động tích cực, có ý nghĩa và ngược lại ở các phân vị khác. Bên cạnh đó, lợi suất trung bình (YTM) đều tác động tiêu cực và có ý nghĩa đến tất cả các phân vị của quy mô giao dịch tương tự kết quả nghiên cứu của Harris và Raviv (1993). Kỳ hạn của trái phiếu (TERM) tác động tiêu cực không đáng kể đến các phân vị của quy mô giao dịch, tương đồng với kết quả của Alexander và cộng sự (2000), Warga (1992).

Bảng 3: Kết quả hồi quy hiệu chỉnh bằng FGLS và Hồi quy phân vị

 

(1)

(2)

(3)

(6)

(4)

(5)

VARIABLES

FGLS

12.5th

37.5th

50th

62.5th

87.5th

SIZE

0.3610**

1.1425***

0.4225***

0.0532***

0.0003***

0.3950***

AGE

-0.0127

-0.0507***

-0.0290***

-0.0197***

- .0076***

0.0127***

YTM

-34.6816***

-85.7489***

-39.5459***

-35.9154***

-40.3339***

-28.3669***

INS

-0.3736

-9.2297***

0.0684***

-0.6500***

-1.3778***

0.0223***

SHAREVAL

0.0181

1.2760***

0.1131***

0.1940***

0.2113***

-0.0374***

INFLA

-1.7737

-9.1739***

-1.9196***

-3.6666***

-3.3820***

-10.4018***

DINTRATE

-18.2436

1,257.42***

141.553***

-23.0370***

5.5740***

-35.3679***

EXRATE

-4.2328

30.6253***

7.9253***

2.7472***

4.3929***

-0.7792***

TERM

-0.0053

-0.0493***

-0.0148***

-0.0036***

-0.0007***

0.0051***

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả

 

Nhóm nhân tố thể chế (INS) có tác động không đồng nhất đến các phân vị của quy mô giao dịch. Bên cạnh đó, đối với yếu tố giá trị giao dịch cổ phiếu (SHAREVAL), kết quả cho thấy, chủ yếu tác động tích cực và có ý nghĩa (trừ phân vị 87.5th). Sự tăng lên của lạm phát làm lãi suất điều hành tăng khiến giá và lợi suất trái phiếu giảm, tác động xấu đến thanh khoản của thị trường trái phiếu. Biến động lãi suất tiền gửi bình quân (DINTRATE) tác động đáng kể nhưng không đồng nhất đến các phân vị của quy mô giao dịch trái phiếu. Tuy nhiên, biến động lãi suất tiền gửi trong ngắn hạn tác động không đáng kể đến lợi nhuận thu được. Khi tỷ giá biến động mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài tăng trao đổi khiến thanh khoản thị trường trái phiếu tăng. Ở chiều ngược lại, điều này khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn khi phát hành trái phiếu, tác động mạnh lên tiết kiệm nội tệ, suy giảm tiết kiệm trong nước, ảnh hưởng nhà đầu tư cá nhân, thanh khoản thị trường giảm (Eichengreen và Luengnaruemitchai, 2004).

Tại Việt Nam trong giai đoạn 2019-2023, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước được duy trì ổn định, quy mô giao dịch thị trường TPDN tăng mạnh, đặc biệt năm 2021. Sang đến năm 2022 và 2023, nợ xấu và lạm phát duy trì ở mức cao, các chính sách chặt tiền tệ cùng với những thay đổi về chính sách (Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ), thị trường TPDN có sụt giảm mạnh so với giai đoạn trước đó.

Một số vấn đề đặt ra

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm biến vĩ mô gồm tỷ lệ lạm phát tác động ngược chiều đến khả năng thanh khoản thị trường TPDN, biến động lãi suất tiền gửi bình quân có ảnh hưởng cùng chiều nhưng không đồng nhất và biến động tỷ giá mang tác động tích cực đáng kể. Tác động từ nhóm nhân tố đặc tính trái phiếu với lợi suất trung bình có tác động tiêu cực.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhân tố quy mô phát hành trên thị trường sơ cấp đem lại tác động cùng chiều đến quy mô giao dịch trên thị trường TPDN. Ngoài ra, nhân tố giá trị giao dịch cổ phiếu chủ yếu đem lại tác động tích cực tới thanh khoản của thị trường TPDN. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường TPDN cần đặt ra một số vấn đề: (1) Các bộ, ban, ngành cần có chính sách điều chỉnh linh hoạt lãi suất thị trường đảm bảo sự hấp dẫn của trái phiếu trên thị trường so với các kênh đầu tư khác; (2) Doanh nghiệp phát hành cần đa dạng hình thức phát hành trái hướng tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau; (3) Khuyến khích thành lập các đơn vị xếp hạng tín dụng chuyên nghiệp để đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp phát hành; (4) Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thị trường TPDN thông qua xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký phát hành, hỗ trợ giảm thiểu chi phí phát hành, cũng như có chính sách khuyến khích sự tham gia của các nhà tạo lập thị trường kết nối cung - cầu TPDN,...

Tài liệu tham khảo:

  1. Alexander, G. J., Edwards, A. K., & Ferri, M. G. (2000). “The determinants of trading volume of high-yield corporate bonds”, Journal of Financial Markets, 3(2), 177-204;
  2. He, W. & Nasser, T. (1999). An Empirical Study on the Factors Affecting Bond Liquidity in the Thai Secondary Bond Market;
  3. Hotchkiss, E., Warga, A., & Jostova, G. (2002). Determinants of corporate bond trading: A comprehensive analysis, Unpublished working paper, Boston College;
  4. Kapingura, F. M. & Ikhide, S. I. (2015). “Macroeconomic Determinants of Liquidity of the Bond Market in Africa: Case Study of South Africa”, Journal of Economics and Behavioral Studies, 7, 88-103.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2024