Khơi thông dòng chảy logistics

Theo Hoàng Lượng/thoibaonganhang.vn

Phát triển dịch vụ logistics, là chìa khoá nâng cao sự cạnh tranh của Việt Nam cũng như thúc đẩy tăng trưởng bao trùm... Đây là quan điểm được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019, vừa được tổ chức tại TP. Đà Nẵng. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì diễn đàn.

Logistics phát triển, sẽ hỗ trợ hiệu quả các ngành kinh tế khác. Nguồn: internet
Logistics phát triển, sẽ hỗ trợ hiệu quả các ngành kinh tế khác. Nguồn: internet

Diễn đàn thu hút sự tham gia của gần 1.000 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế.

Điểm nghẽn... logistics

Việt Nam - quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển logistics. Ngoài sở hữu vị trí địa lý thuận lợi để xây dựng các trung tâm trung chuyển, cơ sở hạ tầng kho bãi ngày càng được cải thiện, việc mở cửa hội nhập với kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam cũng là những tiền đề thuận lợi để logistics phát triển.

Theo đó, đến nay chúng ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác; trong đó, có 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)... Năm 2019, dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 530 tỷ USD. Con số này cho thấy những tiềm năng để dịch vụ logistics trong nước phát triển là rất lớn.

Trên thực tế, thời gian qua dịch vụ này có mức tăng trưởng khá cao khoảng 13-15%. Hiện, cả nước có gần 4.000 doanh nghiệp logistics, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không... Theo báo cáo mới nhất của WB về Chỉ số hoạt động logistics (LPI), hiện Việt Nam đang đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN và đang nằm ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, logistics cũng đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, yếu kém, ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Trong đó, nổi lên việc thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp làm dịch vụ với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở những trung tâm lớn.

Trong khi, tại nhiều nơi như đồng bằng sông Cửu Long – khu vực được coi là vựa lúa, nông thủy sản lớn - logistics lại chậm phát triển. Hàng hóa từ khu vực thường phải đưa ngược lên TP. Hồ Chí Minh rồi mới xuất khẩu. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics còn hạn chế, chưa tạo giá trị gia tăng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam...

Bà Đặng Minh Phương - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc MP Logistics chia sẻ, cơ sở hạ tầng còn những hạn chế, đã ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp. Đặc biệt, chúng ta chưa tận dụng được lợi thế của logistics đường thủy. Nếu tận dụng được sẽ giảm được chi phí vận tải, cũng như giảm áp lực cho vận tải đường bộ.

Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất trong dịch vụ logistics chính là vấn đề giá thành. Hiện, tỷ trọng đóng góp cho GDP từ logistics còn thấp, song chi phí cho dịch vụ này lại cao. Trong khi, xu hướng chung trên thế giới là ngược lại. Việt Nam quốc gia xuất khẩu nông sản với số lượng lớn, nhưng sức cạnh tranh còn yếu một phần cũng do giá thành cao, chi phí cho logistics còn quá lớn.

Ngay tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019, có đại biểu đã đưa ra dẫn chứng: Chi phí để 1 kg tôm từ miền Nam tới tay người tiêu dùng miền Bắc còn cao hơn chi phí 1 kg tôm từ Ecuador (châu Mỹ) về Việt Nam. Hoặc câu chuyện, 1kg thanh long xuất khẩu sang Hoa Kỳ bằng đường hàng không có chi phí logistics khoảng 3,5 USD. Nếu bán 7 USD/kg thì chi phí logistics đã chiếm mất 50% giá thành sản phẩm.

Theo TS. Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản hiện trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20-25%, khá cao so với mặt bằng chung các nước trong khu vực (khoảng 10-15%)...

Chìa khóa cho sự tăng trưởng

Với mục tiêu khơi thông dòng chảy logistics, tại diễn đàn nhiều ý kiến tham luận đã được đưa ra, nhằm đưa logistic trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hỗ trợ hiệu quả cho các ngành kinh tế khác, là chìa khóa cho sự tăng trưởng cho những năm tới. Trước hết, hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương, cần phát triển logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các ngành kinh tế khác. Do đó, trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa từ Chính phủ đến các bộ, ngành, điạ phương và hiệp hội, doanh nghiệp trong phát triển ngành dịch vụ này.

Tại diễn đàn, một số chuyên gia đề xuất, việc đầu tiên là phải nâng cấp các tuyến vận tải, thiết lập các trung tâm logistics đặt ở cả 3 khu vực. Khuyến khích sự chuyên môn hóa địa phương và hợp tác liên tỉnh trong chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông. Tăng cường cơ chế điều phối các chính sách tích hợp giữa thương mại, giao thông và phát triển chuỗi giá trị. Xu hướng mới trong lĩnh vực logistics, là thích ứng với nền kinh tế chia sẻ, coi trọng các nguồn vốn xã hội...

Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có thể được hưởng lợi nhiều hơn trong việc chuyên môn hoá dịch vụ logistics. Tuy nhiên muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics thì cần có những giải pháp đồng bộ trong việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông, nâng cao chất lượng môi trường quản lý hành chính công...

Cụ thể, logistics là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản, do đó Việt Nam phải tìm cách giảm chi phí ở nhiều khía cạnh khác nhau. Việt Nam đã nỗ lực cải thiện, đơn giản hoá thủ tục thương mại qua biên giới và sử dụng công nghệ là biện pháp quan trọng nhất để giúp cải thiện hơn nữa. Nông sản rất dễ hư hỏng, nhạy cảm mạnh với thời gian thông quan.

Do vậy, phải hiện đại hóa các hoạt động kiểm soát hàng hóa qua biên giới bằng công nghệ đột phá. Một số các quốc gia đã sử dụng thành công các công nghệ như blockchain, internet vạn vật...

Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm chi phí logistics xuống khoảng 16% tỷ trọng GDP. Đóng góp cho GDP từ 8 đến 10% (hiện khoảng 4 đến 5%)... Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để logistics Việt Nam phát triển bền vững, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng lành mạnh cho hoạt động logistics, cần chú trọng triển khai mang tính thực chất, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Muốn vậy, các bộ, ban, ngành cần xác định logistics trong thời gian tới sẽ là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững.

Theo đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, vừa mang tính tổng thể vừa có chiều sâu, nhất là những diễn biến kinh tế - chính trị mới gần đây và làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển các loại hình doanh nghiệp logistic có năng lực cạnh tranh cao, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát triển bền vững thị trường logistic trong nước và khu vực…