Không có chuyện “tồn” hơn 14 triệu tỷ đồng trong hệ thống ngân hàng
Tính đến cuối tháng 9/2024, dư nợ tín dụng cho vay nền kinh tế đạt 14,7 triệu tỷ đồng, cao vượt so với con số tiền gửi 14,5 triệu tỷ đồng trong hệ thống ngân hàng.
Ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024, do Phó Thống đốc Đào Minh Tú chủ trì.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính đến 30/9, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 9% so với cuối năm 2023, tăng mạnh so với tháng trước (đến cuối tháng 8/2024, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,63%). Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh trong những ngày cuối tháng đến từ một số dự án lớn được giải ngân giai đoạn cuối quý III/2024.
Nếu so với cùng kỳ năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế hiện đạt hơn 16%, nâng tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế lên khoảng 14,7 triệu tỷ đồng.
Ở đầu vào, tổng lượng tiền huy động đạt khoảng 14,5 triệu tỷ đồng. Điều này có nghĩa, lượng tiền cho vay, bơm vào nền kinh tế hoàn toàn vượt số tiền Ngành huy động.
“Không có chuyện 14-15 triệu tỷ đồng còn nằm trong ngân hàng, bởi huy động được bao nhiêu, các ngân hàng đã cho vay từng đó ra nền kinh tế”, Phó Thống đốc khẳng định.
Dẫu vậy, thanh khoản toàn hệ thống vẫn ổn định và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng. Các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế.
Để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng từ nay đến cuối năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá ổn định để đảm bảo hài hòa các chính sách.
Tuy nhiên, NHNN vẫn để ngỏ khả năng xem xét lại mức lãi suất điều hành theo hướng “tiếp tục duy trì như hiện nay hay giảm lãi suất trong điều kiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được đảm bảo như lạm phát, tỷ giá, hỗ trợ tăng trưởng”.
Hiện tại, lãi suất tái cấp vốn của NHNN đang duy trì ở mức 4,5%/năm. Trước đó, nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã dự báo NHNN sẽ duy trì mức lãi suất điều hành này cho đến hết năm.
Về tỷ giá, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, tỷ giá diễn biến linh hoạt.
“Trước đây, có thời điểm VND mất giá 5-6% so với USD nhưng đến nay chỉ còn khoảng 1-2%, là mức biến động rất thấp. Điều này đã tạo niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư nước ngoài”, Phó Thống đốc đánh giá.