Không đặt điều kiện kinh doanh với dịch vụ hóa đơn điện tử
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử (HĐĐT) bắt buộc phải đáp ứng khá nhiều điều kiện theo Thông tư 68/2019/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Tân, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), đây chỉ là tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc cung cấp dịch vụ HĐĐT, chứ không phải là điều kiện kinh doanh.
PV: Phải mất hơn một năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, Bộ Tài chính mới ban hành thông tư hướng dẫn nghị định này (Thông tư 68/2019/TT-BTC). Vì sao lại có sự chậm trễ như vậy, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Tân: Khác với các văn bản hướng dẫn khác, HĐĐT liên quan đến kết nối dữ liệu, hệ thống thông tin về HĐĐT phải được xây dựng và quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin; cơ sở dữ liệu HĐĐT phải bảo đảm phục vụ kịp thời cho công tác quản lý thuế, quản lý khác của Nhà nước; bảo đảm an toàn, bảo mật và an ninh quốc gia.
Ngoài ra, thông tin, dữ liệu về HĐĐT được thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng thường xuyên; đảm bảo tính chính xác, trung thực và khách quan; được kết nối và khai thác dựa trên quy chế phối hợp, trao đổi thông tin với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương có liên quan, giữa Trung ương với cấp tỉnh, giữa cấp tỉnh với cấp huyện… Vì vậy, cần nhiều thời gian để hoàn chỉnh thông tư hướng dẫn.
Nghị định 119/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/11/2018, nhưng hơn một năm sau mới có hướng dẫn. Sự chậm trễ này chắc chắn ảnh hưởng rất lớn tới việc sử dụng HĐĐT thay thế hóa đơn giấy truyền thống?
Việc chậm ban hành thông tư hướng dẫn không ảnh hưởng gì đến lộ trình áp dụng HĐĐT thay cho hóa đơn giấy truyền thống theo yêu cầu của Chính phủ, vì trên thực tế, HĐĐT đã được thực hiện đối với các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin kể từ năm 2010 theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP.
Thưa ông, Nghị định 119/2018/NĐ-CP chỉ quy định 4 trường hợp ngừng sử dụng HĐĐT, nhưng Thông tư 86/2019/TT-BTC lại bổ sung nhiều trường hợp, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh?
Thực tế, Nghị định 119/2018/NĐ-CP không phải quy định 4 trường hợp buộc phải ngừng HĐĐT có mã xác thực, mà còn có thêm “trường hợp khác theo quy định của Bộ Tài chính”. Cụ thể, doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chấm dứt hiệu lực mã số thuế; không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; tạm ngừng kinh doanh; bị cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn thì đối tượng sử dụng HĐĐT để bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; sử dụng hóa đơn phục vụ mục đích bán khống hàng hóa, cung cấp dịch vụ để chiếm đoạt tiền của tổ chức, cá nhân bị cơ quan chức năng phát hiện và thông báo cho cơ quan thuế ngay lập tức cơ quan thuế ngừng cung cấp HĐĐT có mã xác thực. Ngoài ra, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề có điều kiện mà không đáp ứng đủ điều kiện; doanh nghiệp thành lập nhằm mục đích mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn nếu bị phát hiện cũng sẽ ngay lập tức bị cơ quan thuế chấm dứt việc sử dụng hóa đơn có mã xác thực.
Các trường hợp trên đều vi phạm pháp luật, bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị truy tố trước pháp luật, nên việc buộc phải ngừng sử dụng hóa đơn chỉ là một trong các biện pháp nhằm tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, chống gian lận thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Dịch vụ HĐĐT không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư. Thậm chí, Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi vừa trình Quốc hội cũng không đưa dịch vụ này vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tại sao quy định về HĐĐT lại đặt ra điều kiện đối với dịch vụ này, thưa ông?
Khi xây dựng Nghị định 119/2018/NĐ-CP và Thông tư 68/2019/TT-BTC, nội dung này cũng được thảo luận rất nhiều. Ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như thẩm định của Bộ Tư pháp đều khẳng định, các quy định đặt ra cho doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ HĐĐT không phải là điều kiện theo nghĩa thông thường, mà bản chất là quy chuẩn, tiêu chuẩn đặt ra đối với hoạt động này.
Cụ thể, muốn tham gia cung cấp dịch vụ HĐĐT, doanh nghiệp phải có tối thiểu 5 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin; đã triển khai hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin cho tối thiểu 10 tổ chức; có cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng với giá trị trên 5 tỷ đồng để giải quyết các rủi ro và bồi thường thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ; có tối thiểu 20 nhân viên kỹ thuật trình độ đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin…
Thưa ông, rất không thuyết phục khi cho rằng, các quy định kể trên không phải là điều kiện kinh doanh?
Cung cấp HĐĐT là dịch vụ công. Muốn được cung cấp dịch vụ HĐĐT, doanh nghiệp phải ký hợp đồng với Tổng cục Thuế, tức là, Tổng cục Thuế đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước là đối tác của doanh nghiệp và được quyền đặt ra các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy định cụ thể để bảo đảm hợp đồng cung cấp dịch vụ công được thực hiện tốt nhất.
Ví dụ, Nhà nước tổ chức đấu thầu xây dựng công trình giao thông, mặc dù lĩnh vực này không nằm trong Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng khi mời thầu, cơ quan nhà nước bao giờ cũng đặt ra điều kiện về tài chính, kinh nghiệm, năng lực quản trị, thiết bị máy móc, nhân lực… đối với nhà thầu. Đây không phải là điều kiện, mà là tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn đặt ra để lựa chọn nhà thầu. Lĩnh vực cung cấp dịch vụ HĐĐT cũng tương tự như vậy.