Không để dòng vốn ngân hàng chệch hướng khỏi lĩnh vực sản xuất
Trong khi các doanh nghiệp làm nông nghiệp, các nhà sản xuất thiếu vốn để duy trì hoạt động thì dòng vốn ngân hàng lại chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản - vốn dĩ chứa đựng không ít nguy cơ “bong bóng”. Điều này đòi hỏi cần có sự nắn chỉnh để các ngân hàng không chệch hướng, tự tạo hàng rào an toàn cho mình để thúc đẩy dòng vốn tín dụng chảy vào sản xuất nhiều hơn.
Chia sẻ về chuyện liên kết giữa doanh nghiệp (DN) với nông dân để làm “cánh đồng lớn”, ông Bình, giám đốc một công ty xuất khẩu lúa gạo ở Cần Thơ, cho biết công ty phải phải chịu trách nhiệm bỏ vốn ra cung ứng đầu tư vật tư, giống… Rồi đến lúc nông dân thu hoạch và giao lúa cũng phải thanh toán tiền ngay cho họ.
“Cơn lốc” cản đường nông nghiệp
Trong khi đó, mỗi năm công ty sản xuất 200.000 tấn gạo (tương đương 400.000 tấn lúa) nên phải cần hàng trăm tỷ đồng để mua lúa trong 30 ngày. Tiền đâu để thanh toán cho nông dân vẫn luôn là bài toán nhức nhối cho DN và đó cũng là câu hỏi về chính sách tín dụng cho DN làm “cánh đồng lớn”.
Đây là cũng là khó khăn chung của các DN làm “cánh đồng lớn” khi thiếu vốn để xây dựng mô hình liên kết với nông dân, nhất là cần vốn để xây dựng cả vùng nguyên liệu và phải lo vốn để bao tiêu, thu mua lúa.
Vậy nhưng, nhiều ngân hàng vẫn không hiểu cho khúc mắc của DN trong lĩnh vực này, dẫn đến thiếu đi cơ chế hỗ trợ kịp thời. Không chỉ vậy, thủ tục cho vay rất nhiêu khê, nên nhiều lần DN thất hẹn với nông dân, dẫn đến mô hình “cánh đồng lớn” giảm diện tích vì thiếu vốn.
Không chỉ với “cánh đồng lớn”, nhiều DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đến các chủ trang trại trồng trọt, chăn nuôi đều gặp khó khăn về nguồn vốn để duy trì hoạt động, luôn là vấn đề nhức nhối lâu nay.
Rồi có những trường hợp DN và nông dân cùng chán vì thiếu vốn, những mảnh đất nông nghiệp có khi lại được chuyển đổi mục đích sử dụng, trở thành “miếng mồi” hút vốn của các dự án bất động sản.
Quanh chuyện này, trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vinamit, cho rằng bất động sản như “cơn lốc” sẽ làm phá huỷ khả năng dự trữ đất để phát triển nông nghiệp. Nhà nước nên giữ quỹ đất đai tích tụ đó cho nền nông nghiệp. Nếu không, với “cơn lốc” nhiều tiền như vậy thì hầu như những đất đai về nông nghiệp sẽ bị "san phẳng".
Trước vấn đề dư luận băn khoăn là tại sao ngân hàng lâu nay lại có sự ưu ái nhất định dành cho các DN đầu tư vào mảng bất động sản hơn là so với các DN đầu tư vào nông nghiệp, theo ông Viên, ngân hàng là đơn vị kinh doanh tiền tệ nên sẽ kinh doanh ở những nơi nào mà họ cảm thấy an toàn.
“Nếu so sánh giữa hai đối tượng DN nêu trên thì bất động sản có vẻ như được cho là an toàn hơn là rót vốn cho các DN làm nông nghiệp. Bởi vì các DN nông nghiệp có thể bị mất mùa, còn bất động sản thì chỉ có mỗi ngày một tăng giá”, ông Viên nói.
Cho nên, theo Chủ tịch Vinamit, đứng ở góc độ của nhà kinh doanh tiền tệ thì là đúng, nhưng đứng về góc độ của một đất nước phát triển thì hoàn toàn lại không đúng. Bởi, chúng ta cần phải đầu tư vào chuyện sản xuất ra hàng hoá để có thể thu hút được ngoại tệ từ bên ngoài.
"Còn nếu như phía ngân hàng chỉ chăm chăm ủng hộ những DN chỉ truyền tai nhau để thổi “bong bóng” bất động sản thì “bong bóng” đó là do chính chúng ta thổi, đến ngày nào đó phát nổ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế", ông Viên nói.
Cần đưa vốn vào sản xuất nhiều hơn
Chính vì vậy, theo ông Viên, Nhà nước phải kiểm soát được tình trạng thổi “bong bóng” bất động sản. Và với vấn đề thúc đẩy, khuyến khích phát triển sản xuất ra hàng hoá, tạo ra giá trị thật cho đất nước thì Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ và đầu tư.
Nhìn vào những dữ liệu quý I/2022 với tín dụng ngân hàng tăng 5,04% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, khiến cho giới phân tích tài chính lưu ý dòng vốn vay từ ngân hàng chủ yếu chảy vào lĩnh vực bất động sản.
Hiện nay, mặc dù một số ngân hàng đã có thông báo “hãm phanh” với bất động sản, tuy vậy giới chuyên gia vẫn cảnh báo dòng vốn cho vay bất động sản có thể cao hơn con số báo cáo do lẩn khuất trong tín dụng bán lẻ, trái phiếu DN.
Ngay như các DN ngành xây dựng - một ngành có quan hệ mật thiết với lĩnh vực bất động sản, số liệu mới đây từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy trong quý I/2022 có 62,3% DN xây dựng có vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, trong đó có 95,1% số DN vay vốn từ hệ thống ngân hàng và 4,9% số DN vay từ nguồn vốn khác.
Qua thăm dò, các DN ngành xây dựng vẫn đang thiết tha được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn thông qua các thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng hơn.
Theo giới chuyên gia tài chính, ngoài chuyện dòng tiền chảy vào bất động sản, một số yếu tố khách quan của thị trường đang làm cho dòng chảy vốn ngân hàng trở nên khó khăn hơn. Điều này được lý giải vì giá đầu vào nguyên nhiên vật liệu tăng cao, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ, tồn kho tăng; công nợ nhiều, nhà máy, xưởng sản xuất cầm chừng; chi phí không giảm mà còn tăng cao.
Giới chuyên gia nhấn mạnh, nên hạn chế các ngân hàng dùng quỹ tiền tệ của mình để tiếp tay đưa “bong bóng” bất động sản càng ngày càng lớn lên. Bởi vì lâu nay, nhiều ngân hàng không chỉ cho DN bất động sản vay để đầu tư vào những khu đất mà còn cho khách hàng vay để mua đất nền của DN với giá cao hơn.
Như vậy là ngân hàng đã tự thổi “bong bóng” lên, vì vậy Nhà nước phải cần hạn chế chuyện làm sai trái này. Đặc biệt là cần khuyến khích các ngân hàng tự tạo hàng rào an toàn cho mình để thúc đẩy đầu tư vốn vào sản xuất nhiều hơn.