Không để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng của nền kinh tế
Phát biểu bế mạc Diễn đàn Tài chính năm 2021 chiều ngày 16/11, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh, chính sách quan trọng nhất trong phục hồi kinh tế là làm sao không để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng của nền kinh tế.
Các giải pháp tài khoá đã được triển khai kịp thời, hiệu quả
Trong khuôn khổ phiên 2 của Diễn đàn Tài chính năm 2021 với chủ đề “Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030: Các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế” chiều ngày 16/11, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước cho biết, thời gian qua, đã có nhiều chính sách tài khóa kịp thời được ban hành, qua đó hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ nền kinh tế.
Đối với giải pháp, chính sách về thu ngân sách, thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh.
Tổng số tiền thuế và phí đã được giãn, giảm theo các chính sách đã ban hành thực hiện năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, quy mô các gói tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 31/10/2021, số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn, giảm, gia hạn đã đạt khoảng 96,9 nghìn tỷ đồng.
Về các giải pháp chi ngân sách, theo ông Nguyễn Minh Tân, các chính sách về chi ngân sách nhà nước đã tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch COVID-19, nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Đến ngày 10/11/2021, tổng số trung ương đã quyết định chi là 35,47 nghìn tỷ đồng, trong đó chi 32,98 nghìn tỷ đồng để bổ sung cho các Bộ và hỗ trợ các địa phương chi cho phòng, chống dịch (bao gồm cả mua vắc xin), hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 (bao gồm cả kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia đã xuất cấp để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19)...
Để cân đối ngân sách trong bối cảnh thu ngân sách chịu tác động tiêu cực, chi ngân sách phát sinh lớn, đã thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Năm 2020 đã thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020. Năm 2021, thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong
và ngoài nước còn lại; tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai... Năm 2021, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước khoảng 20,67 nghìn tỷ đồng.
Các chính sách, giải pháp tài khoá đã được ban hành kịp thời, góp phần hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận và đánh giá cao. Nhiều chính sách triển khai nhanh, kịp thời, nhất là chính sách miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí phải nộp, giúp giảm bớt áp lực tài chính trong ngắn hạn cho người dân, doanh nghiệp, duy trì sản xuất. Cân đối ngân sách nhà nước được đảm bảo, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện thành công mục tiêu "kép".
Không để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng của nền kinh tế
Tại phiên thảo luận, các nhà quản lý, chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến về các giải pháp, chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế trong thời gian tới.
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, chính sách tài khóa của Việt Nam gần 2 năm qua được thể hiện qua việc tăng cường kỷ luật tài khóa, kiểm soát thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công. Cùng với đó là tăng cường các gói hỗ trợ tài khóa như: miễn giảm, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ, tiền thuê đất...
Về dư địa chính sách tài khóa trong giai đoạn tới, ông Cấn Văn Lực cho rằng, có nhiều thách thức đối với chính sách tài khóa, một mặt phải đẩy mạnh hỗ trợ nền kinh tế, mặt khác phải kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, dư địa chính sách tài khóa còn khá lớn nhờ kiểm soát tốt thâm hụt ngân sách nhà nước, nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn, thấp hơn các nước trong khu vực.
Chuyên gia này kiến nghị, chính sách tài khóa cần phải được triển khai nhanh, gọn, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, dữ liệu; đồng thời, gắn chương trình phục hồi kinh tế với chiến lược phòng, chống dịch bệnh, đề án cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Cùng với đó là đẩy mạnh việc cổ phần hóa, thoái vốn DNNN (phấn đấu đạt 80-90% kế hoạch), có thể thu về khoảng 30.000 đến 35.000 tỷ đồng mỗi năm; tăng cường phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước; rà soát các quỹ ngoài ngân sách, các quỹ địa phương; vay các tổ chức tài chính quốc tế (ADB, WB...)
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cần có kế hoạch, giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là kiểm soát lạm phát, giá cả, nợ xấu..., đảm bảo ổn định tài khóa. Đồng thời, lưu ý đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh.
Cùng quan điểm trên, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cải cách hành chính cần phải được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa. Theo ông Tuấn, đây là một giải pháp nhỏ, nhưng lại tạo ra hiệu quả lớn, bởi việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục và chi phí đem lại hiệu quả lớn và tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, đánh giá các giải pháp tài chính - ngân sách nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân thời gian qua; đồng thời trao đổi kinh nghiệm về chính sách tài chính với các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế ở các nước, dự báo bối cảnh kinh tế - xã hội thời gian tới, đề xuất các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, sau 1 ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 với chủ đề “Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam” đã đạt nhiều kết quả tích cực. Diễn đàn đã nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trình bày, phát biểu về các nội dung, vấn đề lớn trong các lĩnh vực tài chính, những thuận lợi, khó khăn và thách thức đặt ra cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVDI-19 diễn biến phức tạp.
Theo Thứ trưởng, đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu trong gần 2 năm, theo dự báo của một số chuyên gia, dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2022. Đề cập đến tình hình dịch tễ vì theo Thứ trưởng, chính sách quan trọng nhất trong phục hồi kinh tế là làm sao không để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng của nền kinh tế. Diễn đàn Tài chính chủ yếu đề cập đến chính sách tài khoá, việc thực hiện chính sách để tiếp tục phục hồi nền kinh tế cùng với chiến lược trong phòng chống, dịch COVID-19 có ảnh hưởng rất lớn đến các chính sách phát triển kinh tế.
"Nhiều đề xuất giải pháp của các đại biểu tham dự Diễn đàn có tính khả thi, có giá trị thực tiễn cao. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu kỹ những ý kiến đề xuất của các đại biểu để có những đề xuất, tham mưu chính sách và điều hành trong thời gian tới với Chính phủ kịp thời, hiệu quả." - Thứ trưởng khẳng định.