Chiến lược tài chính 2021-2030 hướng đến xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững

Trần Huyền

Ngày 16/11/2021, tại Hà Nội, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 với chủ đề “Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam” được Bộ Tài chính tổ chức với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ). Đây là Diễn đàn thường niên do Bộ Tài chính tổ chức từ năm 2017.

Toàn cảnh Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021.
Toàn cảnh Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, sau 10 năm thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020, các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ các nguồn lực tài chính, củng cố tiềm lực tài chính nhà nước, cải thiện dư địa chính sách tài khóa. Nhờ vậy, 2 năm qua, các giải pháp tài chính - ngân sách nhà nước đã được chủ động đưa ra để ứng phó có hiệu quả trước tác động của dịch COVID-19.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp tài chính - ngân sách nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 như: Thực hiện miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh; Ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận, đề xuất các sáng kiến, giải pháp trong Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận, đề xuất các sáng kiến, giải pháp trong Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030.

Bộ Tài chính cũng đã tham mưu Chính phủ thành lập Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19 nhằm huy động các nguồn lực tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin và nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Đến nay, Quỹ đã tiếp nhận gần 9 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương đã có các gói hỗ trợ như: giảm tiền cước viễn thông, tiền điện, hoặc gói giảm lãi suất và chi từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp; báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý cơ chế về nguồn lực cho các địa phương để xử lý các gói an sinh xã hội ở địa phương...

Với những giải pháp tài chính trên và dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát chặt chẽ của Quốc hội và sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, chia sẻ, đoàn kết, thống nhất của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đến nay tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực, các giải pháp tài chính - ngân sách nhà nước đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp đòi hỏi Chính phủ phải có giải pháp tài chính tổng thể cùng với nguồn lực cụ thể nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Ông Sebastian Paust - Tham tán, Trưởng phòng Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức đánh giá cao chính sách tài khóa của Việt Nam.
Ông Sebastian Paust - Tham tán, Trưởng phòng Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức đánh giá cao chính sách tài khóa của Việt Nam.

Do đó, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 được tổ chức với chủ đề “Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam” nhằm trao đổi, thảo luận, đề xuất các sáng kiến, giải pháp triển khai thực hiện những định hướng lớn về tài chính - ngân sách nhà nước trong Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 và các giải pháp tài chính - ngân sách nhà nước cho phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam. 

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Sebastian Paust - Tham tán, Trưởng phòng Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức đánh giá, năm 2020, Việt Nam đã rất thành công trong ứng phó với đại dịch COVID-19, là quốc gia tiên phong tăng trưởng về GDP. Tuy nhiên, năm 2021, COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với Việt Nam, Chính phủ đề ra mục tiêu phòng chống đại dịch tối ưu và tăng trưởng kinh tế, việc làm. 

Ông Nguyễn Như Quỳnh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phát biểu tại Diễn đàn.
Ông Nguyễn Như Quỳnh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phát biểu tại Diễn đàn.

Về chiến lược tài chính 2021-2030, ông Sebastian Paust đánh giá cao chính sách quản lý nợ và tài khóa thận trọng của Việt Nam. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam cần có chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển hạ tầng gắn với phát trển bền vững; huy động đầu tư tư nhân nhiều hơn; thúc đẩy đầu tư công; đồng thời, thực hiện cải cách về các chính sách thuế, thu ngân sách hiệu quả hơn... Như vậy, chính sách tài khoá phải linh hoạt, điều hành theo hướng bền vững.

Theo ông Nguyễn Như Quỳnh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), quan điểm của Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 sẽ cải cách, nâng cao chất lượng thể chế tài chính theo hướng đồng bộ, minh bạch và hội nhập là điều kiện tiên quyết thúc đẩy nền tài chính quốc gia phát triển lành mạnh. Đồng thời, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.

Các chuyên gia tham gia thảo luận tại Diễn đàn.
Các chuyên gia tham gia thảo luận tại Diễn đàn.

"Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 hướng đến xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Đồng thời, phải thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030" - ông Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý, diễn giả quốc tế và Việt Nam đã trao đổi, thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp mang tính đột phá thực hiện Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030 và các giải pháp tài chính - ngân sách nhà nước cho phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam. 

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 gồm 02 phiên tham luận: Phiên 1 về Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030; Phiên 2 về Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam. Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự tham gia của khoảng 300 đại biểu là đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; một số cơ quan địa phương; đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; trường đại học khối kinh tế - tài chính; tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp; nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - tài chính trong và ngoài nước; tổ chức quốc tế (IMF, WB, GIZ, ADB, UNICEF...)