Không hình thành dòng ngân sách riêng cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Đây là kiến nghị của Bộ Tài chính với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu (BĐKH) ở đồng bằng sông Cửu Long.

 Không hình thành dòng ngân sách riêng cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Bộ Tài chính, BĐKH tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội. Thực tế hiện nay, ngân sách nhà nước bố trí chi đầu tư, chi thường xuyên cho các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến ứng phó với BĐKH của các lĩnh vực, các bộ, ngành, địa phương thực hiện khó có thể bóc tách được số liệu chính xác chi ngân sách nhà nước cho ứng phó với BĐKH; nên việc hình thành một dòng ngân sách riêng cho các hoạt động ứng phó với BĐKH là khó khả thi.

Về cơ chế tài chính sử dụng nguồn vốn tài trợ cho ứng phó với BĐKH hiện nay, Bộ Tài chính cho biết, các nguồn tài trợ cho ứng phó với BĐKH ở Việt Nam phần lớn là các nguồn vốn vay nước ngoài, ngoài ra có một phần là nguồn viện trợ không hoàn lại. Hình thức tài trợ chủ yếu là tài trợ theo dự án và hỗ trợ ngân sách trực tiếp.

Số vốn tài trợ qua hỗ trợ ngân sách trực tiếp là không nhiều so với vốn tài trợ nước ngoài qua dự án như: trồng rừng, bảo vệ rừng, thủy lợi, đê điều…

Đối với vốn tài trợ theo dự án, mục đích, nội dung sử dụng vốn, phương thức giải ngân theo quy định của Thông tư số 218 của Bộ Tài chính quy định về quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi nước ngoài của các nhà tài trợ.

Đối với vốn hỗ trợ ngân sách trực tiếp, nguồn vốn giải ngân từ các nhà tài trợ sẽ được hòa vào ngân sách nhà nước, sử dụng hệ thống ngân sách để bố trí cho các nhiệm vụ chi, trong đó có nhiệm vụ chi cho biến đổi khí hậu được Quốc hội phê duyệt hàng năm.

Đối với phần vốn phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu (thích ứng, giảm thiểu), sử dụng quy trình quản lý theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Ngân sách Nhà nước.

Đối với vốn bố trí riêng theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH- SP-RCC), thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý nguồn vốn Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH.

Các khoản chi ngân sách nhà nước liên quan đến ứng phó với BĐKH

- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình hỗ trợ BĐKH (SP-RCC).

- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH.

- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước phục vụ chương trình môi trường quốc gia ứng phó với BĐKH.

- Kinh phí trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

- Kinh phí đầu tư xây dựng, duy tu, hệ thống đê điều (đê sông, đê biển).

- Kinh phí xây dựng khu tránh, trú bão cho tàu thuyền.

- Kinh phí tôn nền vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long.